Theo trang IFLScience ngày 22-3, trong 10 năm tìm kiếm phương pháp mới ứng dụng trong điều trị mô bị tổn thương, một nhóm do giáo sư David Mooney - làm việc tại Viện Wyss về kỹ thuật lấy cảm hứng từ sinh học (Đại học Harvard, Mỹ), đã chú ý đến chất nhầy của ốc sên Dusky Arion.
Loài ốc sên này tiết ra loại chất nhầy đặc biệt bám dính trên bề mặt vật thể để tránh sự truy đuổi của kẻ săn mồi. Dựa vào gợi ý này, nhóm đã tạo ra một loại hydrogel làm từ hai loại polymer kết hợp với một lớp kết dính có chứa chitosan (chất liệu làm vỏ ngoài của động vật có vỏ cứng) và đặt tên là Tough Adhesive.
Sau khi biết về Tough Adhesive, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Kyle Wu và đồng nghiệp đã nghĩ rằng chất kết dính này là thứ cần thiết cho các bác sĩ trong phẫu thuật màng não, đặc biệt là bịt kín lại màng cứng sau phẫu thuật.
Màng não gồm ba phần là màng cứng, màng nhện và màng mềm phía trong cùng. Bản thân màng cứng khá dày và cứng, giống như lớp sáp trên phô mai hay một loại màng bọc nhựa sinh học.
Các lựa chọn thông thường trong phẫu thuật màng não không dễ thực hiện, chủ yếu do chất kết dính hoạt động kém trong môi trường ẩm ướt.
Bằng cách kết hợp chuyên môn của mình, nhóm gồm các bác sĩ phẫu thuật thần kinh học và kỹ sư sinh học chế tạo ra Tough Adhesive đã tạo ra một phiên bản chất kết dính mới gọi là Dural Tough Adhesive (DTA).
Họ đã thử nghiệm DTA trên tế bào có nguồn gốc từ con người và trên các mô hình động vật, nghiên cứu tính hiệu quả của chất kết dính này trong não chuột và tủy sống lợn. Trong một loạt thử nghiệm, DTA đã chứng minh nó hiệu quả hơn các loại chất kết dính hiện có.
Nhóm nghiên cứu hy vọng với kết quả nghiên cứu tích cực như trên, DTA sẽ sớm có thể sẵn sàng để được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật trong thế giới thực.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine ngày 20-3.