Ba lĩnh vực dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý IV
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tăng trưởng quý IV năm nay sẽ chững lại.
Trong tháng 9, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ và 3,3% so với tháng trước. Chỉ số PMI tháng 10 tiếp tục mở rộng, ghi nhận ở mức 52,5 điểm, thấp hơn một chút so với mức 52,7 điểm ghi nhận trong tháng trước.
Tuy nhiên, điểm chung mà VDSC nhận thấy ở hai biến số kinh tế này là động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang chững lại.
Số liệu xuất nhập khẩu tháng 9 theo ước tính của Tổng cục Thống kê cũng giảm lần lượt 14,2% và 7,3% so với tháng trước phản ánh bức tranh suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, trong 8 tháng 2022, động lực giúp tăng trưởng xuất khẩu đến từ các nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam như hàng điện tử, dệt may và máy móc thiết bị.
Xét theo thị trường, tăng trưởng xuất khẩu đến Mỹ đóng góp 39% vào mức tăng trưởng chung, theo sau là thị trường EU và ASEAN.
Các chuyên gia của VDSC cho rằng mối lo ngại trong quý IV đến từ việc Fed tiếp tục thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ dẫn đến sự thảo luận tăng lên về rủi ro suy thoái tại Mỹ.
Trong khi đó, thị trường châu Âu nhiều khả năng sẽ xấu đi khi cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang vào mùa đông.
Khối phân tích dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý IV nhưng mức độ suy giảm sẽ ở mức vừa phải.
Đà tăng của khu vực dịch vụ nhiều khả năng cũng sẽ chững lại trong quý IV với dấu hiệu ban đầu là sự suy giảm của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải.
Trong quý III, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và vận tải giảm lần lượt 8,6% và 4,6% so với quý trước, khác với xu hướng mở rộng của hai lĩnh vực này trong những năm trước đại dịch.
VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý IV vào khoảng 6,3-6,7%, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước khoảng 8,1-8,2%, cao hơn dự báo trước đó là 7,3%.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Về diễn biến lạm phát, giá dầu bình quân 9 tháng đầu năm cao hơn 50,5% so với cùng kỳ, trong khi giá xăng trong nước cao hơn 43,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá giao thông 9 tháng đang cao hơn 15,0% so với cùng kỳ và đóng góp 50% vào mức tăng CPI chung. Giá dầu thế giới đang giảm và phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt sắp tới do Bộ Tài chính đề xuất là một thuận lợi cho diễn biến lạm phát sắp tới.
Trong tháng 9/2022, giá dầu Brent bình quân là 90,5 USD/thùng, thấp hơn 7,1% so với mức bình quân của tháng 8. Hiện tại, giá xăng trong nước (Xăng RON95) đang thấp hơn 9,2% so với cuối năm 2021.
Trong diễn biến kém thuận lợi hơn, lạm phát chung và lạm phát lõi của tháng 9/2022 lần lượt tăng 3,9% và 3,8% so với cùng kỳ.
Lạm phát giá thực phẩm đóng góp hơn 30% vào mức tăng CPI chung, trong khi đó, lạm phát lõi được dẫn dắt bởi đà tăng của nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng và nhóm Giáo dục.
Hiện tại, giá các mặt hàng có ảnh hưởng trọng yếu đến chỉ số giá thực phẩm như gạo và thịt heo vẫn tương đối ổn định.
Trong trường hợp giá dầu quý IV trong khoảng 90-100 USD/thùng, VDSC dự báo lạm phát chung cả năm 2022 khoảng 3,6-3,8%, thấp hơn so với mục tiêu 4% của Chính phủ.