Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 10 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, trong tháng 9, dữ liệu vĩ mô/2022 của Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi ấn tượng, nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ để tương thích với các hành động khác của các Ngân hàng Trung ương khiến thanh khoản bị siết chặt.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành lần đầu tiên sau hai năm vào ngày 22/9, ngay sau tăng lãi suất lần thứ năm của Fed trong vòng một năm. Đồng thời, NHNN cũng không ngừng bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Trước tình hình thanh khoản không mấy khả quan, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu phản ứng ngay từ đầu tháng 9. VN-Index có tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm khi giảm 11,59% xuống 1.132, xóa sạch mọi cố gắng trong hai tháng trước đó.
Các chỉsố phụ khác còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn như VN30, VNMidcap và VNSmallcap lần lượt giảm 11,5%, 12,7% và 14,3%. Các chỉ số chính khác cũng ghi nhận diễn biến không mấy khả quan, trong đó HNX-Index giảm 14,3% và UpCom-Index giảm 8,1%.
So sánh với các thị trường chứng khoán khác, VN-Index nằm trong danh sách các chỉ số có hiệu suất kém nhất trong tháng 9 cùng với Nikkei 225 (-7,67%), S&P 500 (-9,34%), KOSPI (-12,81%), Hang Seng (-13,7%).
Chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu khiến thanh khoản giảm sút không chỉ trên thị trường chứng khoán toàn cầu, mà cả tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ quả này lấn át sự tích cực của việc giao dịch T+2 và giao dịch lô lẻ, có hiệu lực từ đầu tháng 9. Giá trị giao dịch bình quân thông qua khớp lệnh trên HOSE giảm xuống còn 11,7 nghìn tỷ đồng/phiên, tương đương giảm 16,6% so với tháng trước).
Đợt điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 9 đã xóa sạch mọi nỗ lực tăng trong hai tháng trước đó của phần lớn các cổ phiếu trên sàn.
Trong báo cáo 9 gần đây, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế. Trong đó, điều chỉnh giảm dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2023 từ mức 2,8% về 2,2%, giảm 0,6%. Bên cạnh điều chỉnh giảm 0,7% tại Mỹ, 1,3% tại khu vực Châu Âu và 0,2% tại Trung Quốc.
Trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay ở một số ngành nghề/ doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững chắc có thể sẽ chỉ nhích dần theo chi phí huy động của các ngân hàng. Dù vậy, tăng trưởng cung tiền nhìn chung đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng khi mà tiền đồng vẫn đang bị rút ròng trên kênh OMO và động thái bán USD của NHNN.
Đồng thời với đó, Nghị định 65 (sửa đổi Nghị định 153) về phát hành trái phiếu riêng lẻ, dù nhiều hay ít, đang siết một phần nguồn vốn huy động từ dân cư (cho doanh nghiệp thông qua việc mua trái phiếu). Kênh tín dụng ngân hàng, do vậy, sẽ phải chia sẻ một phần cho sự "hụt đi" này.
Theo đó, VDSC cho rằng lãi suất cho vay ở những lĩnh vực có rủi ro cao sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Có thể hiểu rằng, mặc dù NHNN đã tăng 100 điểm cơ bản (1 điểm %) các loại lãi suất điều hành, với diễn tiến hiện tại từ thế giới, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn theo hướng chặt chẽ và thận trọng.
Theo nhận định của các nhà phân tích của Rồng Việt, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, lãi suất Mỹ và đồng USD dự báo duy trì ở mức cao sẽ là rào cản đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, mặt bằng lãi suất tại các NHTM nhìn chung sẽ trong xu hướng tăng trong thời gian tới, khi mà không gian chính sách tiền tệ khá hạn hẹp trước các biến động khó lường từ thế giới và ảnh hưởng ngắn hạn của Nghị định 65/2022 về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài ra, VDSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2022 của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn khả quan so với cùng kỳ song tốc độ tăng đã giảm đáng kể so với quý II/2022. Vì vậy, sẽ chưa tạo nhiều động lực cải thiện cho thị trường. Trong kịch bản cơ sở, VN-Index được kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng 1.050 - 1.150.