Tại chương trình "Bí mật đồng tiền" ngày 5/10, các chuyên gia chia sẻ quan điểm về câu chuyện đang diễn ra xoay quanh Credit Suisse - ngân hàng từ Thụy Sĩ. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư lo ngại trước những thông tin ngân hàng này có thể phá sản khi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cao kỷ lục mới.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho rằng nhìn vào báo cáo tài chính của Credit Suisse, tình hình hiện nay của họ không phải là quá xấu.Deustche Bank - ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Đức thời kỳ 2015-2016 từng có tình trạng xấu hơn nhưng vẫn "được cứu" và thoát khỏi nguy cơ phá sản. Ông Hưng cũng đánh giá câu chuyện của ngân hàng đến từ Thuy Sĩ không thể so sánh với Lehman Brother - ngân hàng đã phá sản vào năm 2008.
Theo ông Hưng, thị trường tài chính hiện nay đã khác năm 2008 rất nhiều, khỏe hơn hơn nhiều và tình trạng của Credit Suisse không quá xấu. Các nhà hoạch định chính sách đã có những bài học từ câu chuyện của Lehman Brother nên chắc chắn sẽ can thiệp để không xảy ra phá sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch Phái sinh Chứng khoán SSI đề cập vào năm 2008, sau khi Lehman Brother phá sản, những quy định vốn/nợ của các ngân hàng đầu tư trên thế giới đã được siết chặt. Do đó, Credit Suisse lặp lại trình trạng như ngân hàng đến từ Mỹ sẽ là rất khó hoặc không phải bây giờ.
Ông Thông cho rằng ngân hàng từ Thụy Sĩ có thể sẽ ghi nhận khoản lỗ lớn. Dù câu chuyện này gây lo lắng cho nhiều nhà đầu tư, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn tăng điểm tốt. Đơn cử, thị trường chứng khoán Mỹ, ngoại trừ tin liên quan đến lạm phát, những tin xấu khác không có tác động nhiều. Khi có một thông tin xấu xuất hiện, nhà đầu tư thường có kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ. Vì vậy, các thông tin về Credit Suisse không thể ngăn đà tăng của thị trường.