Thời điểm lý tưởng để uống cà phê
Từ lâu, cà phê đã trở thành thức uống được nhiều người ưa chuộng. Thậm chí, nhiều người còn coi cà phê như 1 loại đồ uống không thể thiếu để tỉnh táo và làm việc hiệu quả suốt ngày dài.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được thời điểm nào nên uống cà phê nhất. Hầu hết mọi người đều có thói quen uống cà phê ngay khi thức dậy, và cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất. Thực chất, đây là thời điểm hormone cortisol ở mức cao nhất.
Đây là loại hormone giúp tăng cường sự tỉnh táo, làm chúng ta có thể tập trung hơn. Nếu như cung cấp cà phê cho cơ thể vào thời điểm này, hormone cortisol có thể tăng cao hơn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc suy giảm hệ miễn dịch nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại. Từ đó, cơ thể bạn có thể đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh khác nhau.
Bởi vậy, theo nhiều nghiên cứu dinh dưỡng, chúng ta có thể uống cà phê vào buổi sáng nhưng nên tránh thời điểm hormone cortisol ở mức cao nhất. Chúng ta nên tiêu thụ cà phê sau khi thức dậy vài giờ, khoảng 9h30 đến 11h30 để đảm bảo sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, chúng ta còn cần phải cân nhắc thời điểm uống cà phê phù hợp để không ảnh hưởng tới giấc ngủ. Caffein có tác dụng tới khoảng 3-5 giờ sau khi tiêu thụ, bởi vậy nếu uống quá gần giờ đi ngủ, bạn dễ gặp tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Để tránh những tác động tiêu cực tới giấc ngủ, bạn có thể cân nhắc uống cà phê trước khi đi ngủ 6 tiếng, không uống vào buổi tối, đêm.
Lưu ý khi tiêu thụ cà phê
Caffeine có trong cà phê có tác dụng giúp con người tỉnh táo hơn, có thể tập trung làm việc. Có lẽ vì thế nên không ít người “mượn” cà phê để chống lại cơn buồn ngủ, uể oải khi làm việc. Tuy nhiên, điều này khiến chúng ta dần trở nên phụ thuộc vào cà phê, lâu dần gây ra những hệ lụy khác nhau.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, caffeine kích hoạt 1 số chất hóa học trong não, tương tự như cách cocaine và amphetamine gây ra. Bởi vậy, dù chúng không gây nghiện nhưng lại dẫn đến sự phụ thuộc nhất định, khiến nhiều người tiêu thụ liều lượng lớn.
Dù nhiều người ưa chuộng thức uống này nhưng cũng cần phải duy trì thói quen tốt. Chúng ta không nên uống quá nhiều cà phê trong thời gian ngắn để tránh những tác động tiêu cực. Khi tiêu thụ quá nhiều, cơ thể chúng ta dễ bị bồn chồn, nhịp tim tăng, kích thích hệ thần kinh trung ương…
Không chỉ vậy, cà phê còn có độ pH thấp, khi chúng ta uống quá nhiều, dạ dày sẽ bị ảnh hưởng vì lượng axit tăng cao. Chúng ta có thể gặp tình trạng đầy bụng, khó tiêu, nếu kéo dài còn có thể mắc viêm loét dạ dày. Vì vậy, mỗi người không nên lạm dụng cà phê để tránh gây ra những tác dụng phụ không đáng có. Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), mỗi người không nên uống quá 400 mg cà phê/ngày (không quá 4-5 cốc/ngày).
Khi sử dụng đúng liều lượng, cà phê mang đến nhiều tác động tích cực cho cơ thể người. Chúng có thể ngăn ngừa tình trạng suy giảm nhận thức, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, phòng ngừa mất trí nhớ, bảo vệ gan, đẩy lùi nguy cơ mắc 1 số bệnh ung thư. Bởi vậy, nhiều người có thói quen tiêu thụ cà phê mỗi ngày, miễn sao không vượt quá liều lượng khuyến nghị, để cơ thể luôn đạt tình trạng sức khỏe tốt nhất.
(Tổng hợp)