Ngày 29-2, ông Nguyễn Quốc Hiển - phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - đã ký báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình triển khai dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo chủ đầu tư metro số 1, tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đạt gần 98%. Chủ đầu tư cũng đã đề ra tiến độ 6 nhóm công việc tương ứng với các mốc thời gian.
Cụ thể, tháng 2-2024 sẽ hoàn thành thi công hợp đồng các gói thầu CP1a, CP1b, CP2 (trừ hạng mục cầu bộ hành của các nhà ga trên cao).
Tháng 3 và tháng 4-2024 sẽ hoàn thành lắp đặt các hệ thống cơ điện. Tiếp tục kiểm tra, khắc phục khiếm khuyết, hiệu chỉnh thiết bị máy móc trong quá trình vận hành thử nghiệm. Hoàn thành công tác đào tạo nhân sự cho công tác vận hành thương mại.
Tháng 5-2024 sẽ hoàn thành thi công nhánh trái, nhánh phải cầu bộ hành của các nhà ga trên cao. Hoàn thành công tác phối hợp cơ điện với các nhà thầu CP3 và CP4. Thời điểm này cũng là lúc tiến hành khai thác thử với sự tham gia của nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1.
Tháng 6-2024, chủ đầu tư đặt ra mục tiêu hoàn thành công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, môi trường, thẩm định an toàn hệ thống, phương án giá vé.
Đến tháng 7-2024, dự án sẽ vận hành thương mại thử nghiệm. Nhân sự Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 sẽ chịu trách nhiệm việc này. Tháng 8-2024, công tác nghiệm thu dự án được hoàn thành. Đây cũng là thời điểm metro số 1 sẽ đưa vào vận hành thương mại chính thức.
Theo đánh giá của một chuyên gia đường sắt đô thị, với mốc tiến độ mà chủ đầu tư đặt mục tiêu thì thời gian từ nay đến khi vận hành chỉ còn 5-6 tháng.
Có thể nói rằng khối lượng công việc còn lại của dự án rất lớn, lại liên quan đến rất nhiều đơn vị, bộ ngành.
Chẳng hạn như việc thi công phải phụ thuộc vào tiến độ cam kết của nhà thầu. Trong đó, hạng mục quan trọng là tòa nhà OCC ở depot Long Bình. Đây là trung tâm, bộ não chỉ huy, điều khiển vận hành tàu, không hoàn thành sẽ không thể khai thác thương mại.
Vấn đề tiếp theo là phải hoàn thành công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Nhiệm vụ này hiện nay do liên danh Bureau Veritas Vietnam - Bureau Veritas Exploitation - Bureau Veritas Quality Services - Shanghai Project Management - TEDI (gọi tắt là liên danh BVT) thực hiện.
Sau đó, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình Cục Đường sắt Việt Nam và các cục liên quan để cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.
Trên cơ sở đó, toàn bộ hồ sơ sẽ trình Hội đồng Nghiệm thu nhà nước. Hội đồng sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ, chứng nhận an toàn kèm theo, kết quả chạy thử... Nếu đạt, hội đồng thông qua biên bản cho phép đưa dự án vào khai thác.
"Như vậy, để chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM trong vòng mấy tháng tới đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực rất lớn. Trong đó, cần thiết có những công việc phải thực hiện song song, không thể chờ đợi việc này xong mới tới việc khác", vị này nói.