Từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá USD/VND có nhiều đợt tăng mạnh ở cả hệ thống ngân hàng và trên thị trường tự do. Phân tích việc USD lên giá, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ba nguyên nhân:
“Thứ nhất, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh, phục vụ đơn hàng, do đó họ cần lượng USD tương đối lớn, từ đó tỷ giá tăng theo. Việc nhập khẩu hàng hóa gia tăng là tin tốt cho nền kinh tế nhưng trong ngắn hạn cũng góp phần gây áp lực cho tỷ giá hối đoái.
Thứ hai, dịp Tết Nguyên đán lượng kiều bào về nước đông. Sau Tết, họ lại ra nước ngoài và cần USD để mua, bán hàng hóa cũng như mang đi.
Thứ ba, hoạt động xuất khẩu đầu năm nay tăng rất mạnh. Thặng dư cán cân thương mại tương đối lớn nhưng lượng tiền chưa về dẫn đến mất cân đối tạm thời cung cầu ngoại tệ” .
Theo ông Thịnh, trong bối cảnh này, cơ quan quản lý đã điều hành tỷ giá USD/VND theo chiều hướng tăng, tránh tạo sự chênh lệch quá lớn giữa giá USD ngân hàng và giá USD "chợ đen" nhằm ngăn chặn sự đầu cơ vào USD.
Tuy nhiên ông Thịnh cho rằng, khi nhu cầu thị trường hạ nhiệt, chắc chắn tỷ giá USD ngân hàng sẽ giảm nhanh chóng và giá USD tự do cũng đi xuống. “Tôi cho rằng chỉ trong tháng 3/2024, tức hết tháng Giêng âm lịch, tỷ giá USD sẽ giảm” , PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tỷ giá thường có xu hướng tăng trong nửa đầu năm rồi hạ nhiệt vào cuối năm. Tỷ giá USD sẽ tiếp tục tăng cho đến khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố hạ lãi suất, khi đó tỷ giá USD/VND sẽ tăng chậm lại, thậm chí có thể giảm.
Theo ông Hiếu, thời gian qua, tỷ giá trong nước phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của chính sách tiền tệ Mỹ. Đồng tiền này trên thế giới liên tục đi lên, đầu năm chỉ số USD-Index đứng ở mức 101,38 điểm nhưng hiện đã lên trên 104 điểm. Điều này chứng tỏ đồng USD vẫn duy trì sức mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa hạ lãi suất như kỳ vọng trước đó.
Dù Fed đã đưa ra thông điệp có thể giảm lãi suất trong năm nay nhưng đến hiện tại thì vẫn chưa rõ thời điểm nào sẽ bắt đầu giảm. Cơ quan này vẫn duy trì quan điểm chống lạm phát, đồng nghĩa vẫn tiếp tục giữ chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều này gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tỷ giá USD/VND cao tạo áp lực lạm phát và ảnh hưởng tới việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên ông Hiếu đánh giá, tình hình sẽ không quá căng thẳng như đã từng diễn ra trong năm 2022 - là năm Fed liên tục tăng lãi suất. Trong giai đoạn ngắn hạn, có thể tỷ giá tăng cao hơn 3% nhưng sau đó sẽ giảm dần và cả năm nhiều khả năng xoay quanh 3%, mức tăng này là chấp nhận được.
Ngày 29/2, giá USD các ngân hàng đang ở mức rất cao, đắt hơn so với đầu năm khoảng 400 đồng/USD.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank hiện ở mức 24.450 - 24.820 đồng/USD, tăng 30 đồng cả hai chiều so với phiên hôm qua.
Agribank niêm yết giá USD là 24.450 - 24.790 đồng/USD, không thay đổi. Tỷ giá USD/VND tại VietinBank là 24.396 - 24.816 đồng/USD, giảm 11 đồng ở chiều mua và giảm 29 đồng ở chiều bán.
Tỷ giá USD/VND tại BIDV hiện ở mức 24.505 - 24.815 đồng/USD (mua - bán), tăng mạnh 55 đồng so với phiên giao dịch hôm qua.
Tại khối ngân hàng tư nhân, tỷ giá USD/VND tại Techcombank đang là 24.468 - 24.810 đồng/USD, tăng 10 đồng ở chiều mua vào và 6 đồng ở chiều bán ra.
Tại VPBank, ngân hàng đang niêm yết giá USD là 24.443 - 24.853 đồng/USD (mua - bán).
Trong khi đó, trên thị trường tự do ở Hà Nội, giá USD vẫn chưa ngừng tăng và ngày càng vượt xa mốc 25.000 đồng. Cụ thể, đồng bạc xanh đang xoay quanh mức 25.360 - 25.430 đồng/USD (mua - bán), tăng tương ứng 110 - 80 đồng so với phiên giao dịch hôm qua.