Chứng khoán

‘Trùm’ khu công nghiệp Bình Dương có kế hoạch IPO kinh doanh ra sao?

Bên cạnh C.P Việt Nam có kế hoạch niêm yết HoSE thì thông tin “ông lớn” FDI ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapre (VSIP) lên phương án IPO cũng được chú ý. Lãnh đạo Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM ) tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 tiết lộ, trong tương lai, VSIP sẽ được IPO để nâng tầm phát triển.

VSIP là liên doanh lớn nhất của Becamex IDC hợp tác cùng Tập đoàn Sembcorp, thành lập 1996. Becamex IDC đầu tư vào liên doanh này theo giá gốc 461 tỷ đồng, tương đương 49% vốn. Khoản đầu tư này đã được đánh giá lại theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tổng công ty là 1.295,4 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I, giá trị khoản đầu tư vào liên doanh này đạt 5.234 tỷ đồng.

Thương vụ IPO Liên doanh VSIP khá được chờ đợi khi mà lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) được đánh giá rất tiềm năng. Trong xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với chi phí hoạt động thấp và ưu đãi thuế.

‘Trùm’ khu công nghiệp Bình Dương có kế hoạch IPO kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

VSIP có kế hoạch IPO để nâng tầm phát triển.

SSI Research nhận định nhu cầu thuê đất tại các KCN Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất, việc mở cửa đường bay và áp dụng hộ chiếu vaccine để phục hồi nền kinh tế giúp các hợp đồng được ký MOU trong thời gian trước hoàn tất các thủ tục đầu tư. Thứ 2, tỷ giá VND/USD ổn định hơn so với các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia. Thứ 3, các chính sách thu hút FDI của Việt Nam như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp về 0% trong 4 năm đầu tiên hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo; chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp. Cuối cùng, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid.

Mặt khác, xét về pháp lý, Nghị định 35/2022/NĐ-CP mới được ban hành nổi bật với việc gỡ bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà phát triển khu công nghiệp. Đồng thời, phân quyền quản lý nhà nước nhiều hơn cho Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh trong triển khai hoạt động các KCN. Việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương, có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp, đặc biệt khi mà các khu công nghiệp có thể có giấy phép đầu tư ngay khi được chấp thuận đầu tư.

VSIP hiện là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp (KCN) hàng đầu với 11 dự án trải dài khắp Việt Nam, tổng diện tích hơn 10.100 ha vượt qua nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán như Đô thị Kinh Bắc (hơn 5.200 ha), Idico (7.000 ha)... Trong đó, Bình Dương là địa bàn chính với 3 khu công nghiệp tổng diện tích 3.545 ha. Bình Dương cũng là nơi khởi đầu của VSIP trước khi phát triển tới các tỉnh khác.

Xét về hoạt động kinh doanh, dữ liệu Người Đồng Hành có được cho thấy doanh thu VSIP giảm đáng kể trong năm 2020 về 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 443 tỷ đồng, giảm lần lượt giảm 23% và giảm 73% so với 2019. Qua 2021, doanh thu hồi phục lại lên mức 3.511 tỷ đồng và lãi sau thuế 856 tỷ đồng.

‘Trùm’ khu công nghiệp Bình Dương có kế hoạch IPO kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng


Tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp tích lũy được 4.356 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,7 lần vốn điều lệ (1.623 tỷ đồng). Quy mô tổng tài sản đạt 10.077 tỷ đồng, tăng thêm 30,5% so với cuối năm 2020.

SSI Research kỳ vọng liên doanh này sẽ tăng trưởng tích cực năm 2022 nhờ vào các dự án như khu công nghiệp VSIP 3 đã ký được MOU hơn 139 ha, Becamex VSIP Bình Định ký được MOU đạt hơn 15 ha. Qua đó, Becamex IDC sẽ được hưởng lợi đáng kể và ghi nhận vào lợi nhuận liên doanh liên kết.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, ông Nguyễn Phú Thịnh, Tổng giám đốc VSIP cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát triển công nghiệp truyền thống với ứng dụng khoa học hiện đại, doanh nghiệp sẽ phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích nhằm hoàn thiện và đa dạng hóa mô hình phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Các thiết bị thông minh và các ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng tầm phát triển của mô hình công nghiệp đơn thuần sang mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh và bền vững.

Theo VNDirect, VSIP III - Bình Dương (1.000 ha) sẽ là một trong những KCN đầu tiên được phát triển theo mô hình thông minh và bền vững tại Việt Nam. Dự án vừa được khởi công đầu năm 2022.

Ngay trong lễ khởi công, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã được trao chứng nhận đầu tư cho dự án quy mô 1 tỷ USD trên diện tích 44 ha tại khu công nghiệp. Ngoài ra, hơn 30 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại VSIP 3 với tổng diện tích dự kiến khoảng 176 ha.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm