Chia sẻ trong một hội thảo về dinh dưỡng, PGS Trương Tuyết Mai (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trung bình một người Việt tiêu thụ 134g thịt mỗi ngày, ở thành phố là 154g, trong khi mức tiêu thụ theo khuyến nghị là 50-80g. Theo bà Mai, đây là thực trạng thừa dinh dưỡng đáng quan ngại.
Còn theo bác sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai) từng đưa ra nhận định, thói quen ăn nhiều thịt, ít rau của người Việt là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân mắc các bệnh tiêu hóa ngày càng gia tăng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý này tăng từ 10-20% mỗi năm. Trong đó hay gặp nhất là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng... và cả ung thư.
Ảnh minh họa
PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) nhấn mạnh, việc ăn nhiều thịt, ít rau còn liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cân, béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Kết quả trong một cuộc khảo sát cho thấy, người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, với người bình thường không nên ăn quá 300 - 500g thịt đỏ (bò, lợn, bê...) mỗi tuần. Thay vì ăn thịt đỏ, hãy ăn nhiều cá và thịt gia cầm. Lý tưởng nhất là ăn 2 lần/tuần (khẩu phần mỗi lần ăn từ 100 - 150g).
Cách chế biến cũng rất quan trọng, tránh nước sốt quá béo cũng như món thịt nướng bằng than hay bằng lò nướng. Tốt hơn hết là luộc thịt, hầm thịt.
Ảnh minh họa
7 dấu hiệu cơ thể cảnh báo bạn đang ăn quá nhiều thịt
Béo phì
Nguyên nhân của bệnh béo phì chủ yếu là do ăn quá dư thừa calo như mỡ động vật, thịt, sôcôla, bột, đường... Khi đã béo phì thì người ta lười vận động, từ đó năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ nên lại càng béo. Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.
Tăng cân
Nếu thấy tăng cân, bạn phải giảm lượng thịt đỏ tiêu thụ. Bạn cần lựa chọn khẩu phần hợp lý, nên chọn thịt bò nạc, loại thịt thăn, bít tết sườn, thịt nạc…, để đảm bảo mục tiêu giảm cân mà không phải cắt giảm thịt đỏ hoàn toàn.
Cảm giác mỏi mệt, chậm chạp
Nếu sau khi ăn thịt mà bạn bắt đầu cảm thấy cơ thể có biểu hiện chậm chạp hoặc mệt mỏi, thì đó có nghĩa là bạn đã ăn quá nhiều thịt và cơ thể bạn "đình công" không thể tiêu hóa hết. Kết quả là chúng bị mắc kẹt trong ruột. Bạn sẽ thấy tình trạng cải thiện hơn, cơ thể nhẹ nhàng và linh hoạt hơn khi cắt giảm lượng thịt mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Có biểu hiện táo bón
Việc tiêu thụ quá nhiều chất sắt có trong các loại thịt đỏ như bò, lợn là nguyên nhân gây ra táo bón. Do vậy, bạn chỉ nên ăn thịt đỏ với số lượng vừa phải (100-200g mỗi lần, 2 lần/tuần) cùng với nhiều loại rau hoặc ngũ cốc.
Có mùi cơ thể, hơi thở hôi
Cơ thể không tiêu thụ thịt đúng cách là thủ phạm gây ra hơi thở hôi, mùi cơ thể. Nếu thịt không được tiêu hóa tốt, mùi hôi khó chịu sẽ tiết ra theo đường tiêu hóa và cuối cùng xâm nhập vào da và hơi thở của bạn.
Tăng huyết áp
Thịt chế biến và nấu chín thường có hàm lượng natri cao có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và thậm chí cả bệnh tim mạch. Cắt giảm lượng thịt sẽ giúp bạn phòng tránh căn bệnh với nhiều biến chứng nguy hiểm này.
Xuất hiện bọng mắt
Việc có bọng dưới mắt (đặc biệt là ngày sau khi bạn ăn thịt) thì đó là một dấu hiệu cho thấy lượng thịt bạn ăn không được tiêu hóa hết. Hãy lưu ý cắt giảm lượng thịt khi thấy xuất hiện bọng mắt nhé.