Trả lời:
Theo Đông Y, lá mướp đắng vị đắng, tính mát có tác dụng tiêu viêm, giảm mụn nên được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị bệnh mụn nhọt, đau mắt đỏ, nóng trong người, thủy đậu... Vì vậy, người bị thủy đậu có thể sử dụng lá này kết hợp với dược liệu khác nấu nước tắm, giúp cải thiện tình trạng ngứa, viêm lở loét da, không có tác dụng trị bệnh.
Với trẻ nhỏ, bạn nên thận trọng khi tắm nước lá. Lý do, da trẻ còn mỏng, dễ dị ứng, nhiễm trùng, trong khi lá mướp đắng dễ chứa nhiều bụi bẩn, các loại vi khuẩn, virus và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng. Trường hợp lá nấu nước tắm không được rửa sạch, da trẻ sẽ dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng, nhất là khi trẻ đang mắc thủy đậu. Nếu lá nấu nước quá đặc, hoặc dùng chà trực tiếp vào da trẻ dễ có nguy cơ nhiễm trùng da.
Vì vậy, bạn nên cân nhắc khi tắm cho trẻ bằng nước lá mướp đắng. Tốt nhất, bạn sử dụng nước sạch, ấm, ở phòng kín, tránh có gió lùa và không nên cho trẻ ngâm nước quá lâu.
Bên cạnh đó, trẻ nên ở phòng riêng, thoáng khí, có ánh nắng mặt trời cho đến khi các nốt phỏng khô và đóng vảy. Gia đình cho trẻ mặc quần áo vải mềm, dễ thấm mồ hôi, đảm bảo vệ sinh da để tránh bị nhiễm trùng. Trẻ cũng cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên món dễ tiêu, bù nước, tránh làm vỡ các nốt thủy đậu để hạn chế bội nhiễm và gây sẹo cho trẻ.

Lá mướp đắng có thể chứa nhiều vi khuẩn, virus, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, cha mẹ nên cân nhắc khi nấu nước tắm cho trẻ mắc thủy đậu. Ảnh: Diệu Thuần
Nếu trẻ có dấu hiệu khó chịu, lừ đừ, mỏi mệt, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết trên nốt phỏng rạ nên đưa đến các cơ sở y tế sớm để được theo dõi và điều trị. Gia đình không nên điều trị thủy đậu theo mẹo dân gian khiến bệnh trẻ nặng hơn.
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có biểu hiện sốt, phát ban, mụn nước, phồng rộp gây ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc.
Trong một số trường hợp, thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Cách phòng ngừa hiệu quả là tiêm vaccine.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng ngừa thủy đậu gồm Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một đến ba tháng tùy theo độ tuổi. Hai mũi giúp phòng bệnh lên đến 98%.
Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC