Tài chính

Lời khẳng định "Lợi ích dân tộc là trên hết" của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự lạc quan bất ngờ của tỷ phú "quân tử phòng thân" Trần Đình Long

Tóm tắt:
  • Ông Trần Đình Long luôn thận trọng trong chiến lược kinh doanh của Hòa Phát.
  • Trong năm 2025, ông lạc quan về tương lai huy hoàng của tập đoàn.
  • Hòa Phát chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa để đảm bảo an toàn.
  • Các chính sách bảo hộ như thuế chống phá giá và thuế nhập khẩu đều hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
  • Năm 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ và lợi nhuận 15.000 tỷ.
 - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) có những câu nói nổi tiếng thể hiện sự thận trọng trong chiến lược kinh doanh, mà đôi khi ông thừa nhận rằng “nhiều người nói Hòa Phát hơi bảo thủ”.

Có thể kể đến như “Quân tử phòng thân”, “Hòa Phát không đưa kế hoạch theo kịch bản lúc mọi sự đang thuận, mà phải tính lúc thị trường xấu nhất để mình vẫn sống được”, hay “Nếu thị trường sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng.”

Chiến lược tập trung vào thị trường nội địa

Sự thận trọng đó thể hiện rất rõ trong chiến lược tập trung vào thị trường nội địa trong suốt hơn 30 năm hoạt động của Hòa Phát.

Ông Long cho biết, có lúc làm xuất khẩu rất lãi nhưng luôn cố gắng giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20% tổng doanh thu. Năm 2024 khi thị trường trong nước khó khăn thì tỷ trọng xuất khẩu là 31% doanh thu – cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, sản lượng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao và HRC đạt 2,63 triệu tấn.

Nhưng ông Long nhấn mạnh, đó chỉ là giải pháp tức thời để bán hàng trong thời điểm nhất định, phía Hòa Phát giữ vững quan điểm cố gắng duy trì tỷ trọng doanh thu xuất khẩu dưới 20% để đảm bảo an toàn.

 - Ảnh 2.

Thực tế trong hoạt động xuất khẩu, Hòa Phát cũng đa dạng thị trường sang 40 quốc gia và 5 châu lục. Châu Á (ngoài Việt Nam) đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hòa Phát với 20% doanh thu, châu Âu chiếm 6,7% và châu Mỹ chiếm 3,1% (trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 1%).

Việc chia nhỏ thị trường sẽ giúp cho độ biến động của sản lượng tiêu thụ nhỏ hơn và doanh nghiệp có thời gian để xoay chuyển sang thị trường khác.

“Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy mình đúng” – Ông Long nói trong bối cảnh các quốc gia ngày càng tăng cường chính sách bảo hộ thương mại, Tổng thống Donald Trump đưa ra mức thuế mới – được đánh giá sẽ gây áp lực lên giá thép tại các thị trường ngoài Mỹ khi các nhà sản xuất dư cung tìm kiếm điểm đến thay thế.

Thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ cũng không "dễ nhằn". Tại châu Âu, cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) do Liên minh châu Âu (EU) ban hành sắp kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm 2025 và dự kiến sẽ chính thức áp dụng vào năm 2026.

Cơ chế này đặt ra yêu cầu các nhà nhập khẩu tại EU phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng khí thải các-bon phát sinh trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, bao gồm các sản phẩm thép. Việc áp dụng chính thức CBAM từ đầu năm 2026 sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí xuất khẩu do phải mua chứng chỉ phát thải các-bon.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn tạo áp lực lớn trong việc duy trì thị phần tại thị trường EU – một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Hòa Phát.

Khi "lợi ích dân tộc là trên hết" và "Doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực lớn nhất của nền kinh tế"

Một chính sách hỗ trợ cho Hòa Phát tại thị trường nội địa là ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19,38-27,83%. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi ban hành và áp dụng trong vòng 120 ngày.

Từ đại hội cổ đông năm ngoái, ông Long đã nhấn mạnh rằng: không có quốc gia nào trên thế giới không bảo vệ nền sản xuất trong nước, không có nước nào chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước. Đó là cơ sở vững chắc cho chiến lược tập trung vào thị trường nội địa của Tập đoàn này.

Dù mức thuế chống bán phá giá tạm thời mới chỉ áp dụng từ tháng 3/2025, tức là Hòa Phát chỉ vừa hưởng lợi trong vòng 1 tháng của quý (và các nhà nhập khẩu đã tích trữ hàng trước khi quyết định áp thuế có hiệu lực) thì theo tính toán của CTCK Vietcap, biên lợi nhuận quý 1/2025 đã tăng lên mức 8,9% từ con số 8,8% của cả năm 2024.

Không chỉ vậy, chiến lược tập trung vào thị trường nội địa của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục là lựa chọn đúng khi tư tưởng và những chính sách nhằm phát huy nội lực kinh tế của Việt Nam đã được Nhà nước đưa ra.

Từ năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu nhấn mạnh rằng “lợi ích dân tộc, nhân dân là trên hết và phải luôn luôn được bảo vệ, tôn trọng”.

 - Ảnh 3.

Cách đây 4 ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng có một số điểm mới, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Những yếu tố này được ông Trần Đình Long phấn khởi nhắc đến tại ĐHCĐ thường niên 2025 rằng "chưa bao giờ doanh nghiệp tư nhân được ủng hộ, bảo vệ và khuyến khích như bây giờ".

Điều đó củng cố niềm tin của ông Long vào chính sách bảo vệ và thúc đẩy nền sản xuất trong nước mà các doanh nghiệp tư nhân đầu ngành như Hòa Phát đang giữ vị trí trọng yếu.

“Đây là tiền đề phát triển rất tốt cho tương lai huy hoàng sáng lạn tiếp theo của Hòa Phát” – Ông Long nói. Có lẽ vì vậy, thay vì thận trọng đặt kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ và lợi nhuận 12.000 tỷ như ban đầu, Hòa Phát quyết định đặt kế hoạch tham vọng cho năm 2025 với doanh thu 170.000 tỷ và lợi nhuận 15.000 tỷ.

 - Ảnh 4.

Các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia với nhu cầu thép lớn đang được Chính phủ tích cực thúc đẩy triển khai, là động lực cho doanh thu của Hòa Phát. Trong đó, các tuyến đường sắt cao tốc được dự báo tổng nhu cầu khoảng 10 triệu tấn và Hòa Phát đã xây nhà máy thép hình 14.000 tỷ ở Dung Quất để sản xuất sản phẩm đường ray.

Cho đến hiện tại, ông Long tiết lộ các đơn hàng sản xuất HRC từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 đều bán hết. Với việc đưa dự án Hòa Phát Dung Quất 2 vào hoạt động, sản lượng thép thô của Hòa Phát năm 2026 sẽ tăng lên mức 14,5 triệu tấn.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

Ngân hàng Lộc Phát ra mắt thương hiệu LPBank Priority và thẻ LPBank Visa Signature

Việc ra mắt thương hiệu LPBank Priority cùng dòng thẻ tín dụng quốc tế cao cấp LPBank Visa Signature là cột mốc quan trọng trong chiến lược kinh doanh của LPBank, hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, cá nhân hóa, tạo nên hệ sinh thái đặc quyền dành riêng cho từng nhóm khách hàng mục tiêu.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

LPBank ra mắt thương hiệu LPBank Priority và thẻ LPBank Visa Signature

Việc ra mắt thương hiệu LPBank Priority cùng dòng thẻ tín dụng quốc tế cao cấp LPBank Visa Signature là cột mốc quan trọng trong chiến lược kinh doanh của LPBank, hướng tới cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt, cá nhân hóa, tạo nên hệ sinh thái đặc quyền dành riêng cho từng nhóm khách hàng mục tiêu.