Theo số liệu của GLOBOCAN công bố, năm 2021 có 19,29 triệu ca mắc mới và 9,96 triệu ca tử vong do ung thư toàn cầu. Có thể thấy ung thư vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe của cả nhân loại.
Tôn Yên, viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đã "chiến đấu" với khối u trong suốt 60 năm kể từ khi ông bắt tay vào con đường nghiên cứu y học năm 1951, đến nay đã 92 tuổi. Dù đã ở tuổi già nhưng ông vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn.
Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, ông chia sẻ: "Lối sống của mỗi cá nhân có tác động rất lớn đến nguy cơ mắc ung thư, nhất là thực hiện lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được một số bệnh ung thư". Ngoài ra, viện sĩ cũng đưa ra những bí quyết để phòng chống ung thư đơn giản, hiệu quả mà ai cũng có thể thực hiện.
Không muốn gặp "tử thần", hãy tránh xa 4 thứ này
Chuyên gia lưu ý đàn ông chỉ nên uống ít hơn 25g rượu mỗi ngày còn phụ nữ uống ít hơn 15g là tốt nhất. Uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng khả năng gây ung thư.
1. Bỏ hút thuốc và uống rượu
Nhiều nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, bao gồm 60 chất gây ung thư như acetone, amoniac, axin... cực kỳ có hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, theo tổ chức y tế thế giới, 90% ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, rượu cũng là chất gây ung thư và là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư toàn cầu. Từ dữ liệu của GLOBOCAN, ung thư thực quản, ung thư gan và ung thư vú chiếm lần lượt là 25,6%, 20,9% và 13,2% tổng số ca ung thư do rượu gây ra.
Trong quá trình trao đổi chất của cơ thể con người, rượu sẽ tạo ra một lượng lớn acetaldehyde. Acetaldehyde có độc tính cao, tích lũy trong cơ thể đến một mức độ nhất định có thể trực tiếp phá hủy DNA, gây đột biến gen.
2. Ăn ít sản phẩm chế biến sẵn
Hơn 800 nghiên cứu của 22 chuyên gia từ 10 quốc gia khác nhau đã xác nhận rằng ung thư đại trực tràng có thể liên quan đến việc tiêu thụ thường xuyên các sản phẩm chế biến sẵn. Các chuyên gia nói rằng chỉ cần tiêu thụ 10-12g đồ chế biến sẵn thì khả năng phát triển ung thư tăng 18%.
3. Tránh xa những cảm xúc tiêu cực
Xã hội hiện đại với nhiều áp lực khiến mọi người có tâm lý tập trung cao độ và tiêu cực quá mức.
Viện sĩ Tôn Yên tự nhận mình là một người "vô tâm", vì ông hiếm khi tức giận. Ông nhận thấy rằng nhiều bệnh nhân ung thư đều có chung một đặc điểm là họ phải chịu áp lực cao và có tâm trạng lo lắng, bất an trong thời gian dài.
Tâm trạng không tốt trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể sinh ra "phản ứng căng thẳng". Khi bị căng thẳng, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ bị giảm và các tế bào ung thư nhân cơ hội đó mà phát triển.
Vậy nên trong công việc và cuộc sống, hãy cố gắng sống chậm lại một chút, nghĩ ít đi, luôn bình tĩnh trước mọi tình huống và dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi và thư giãn.
4. Tránh xa béo phì
Như chúng ta đều biết, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não. Một nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc (BMJ) cho thấy béo phì cũng có liên quan chặt chẽ đến tới 11 khối u.
Vậy, làm thế nào để phát hiện béo phì?
BMI là một trong những chỉ số được sử dụng phổ biến nhất để đo lượng mỡ trong cơ thể. Công thức tính chỉ số BMI tương đối đơn giản, chỉ dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng:
BMI = Cân nặng / [(Chiều cao)*2]. Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg.
Công thức BMI được áp dụng cho cả nam và nữ và chỉ áp dụng cho người trưởng thành (trên 18 tuổi), không áp dụng cho phụ nữ mang thai, vận động viên, người già và có sự thay đổi giữa các quốc gia.
Dưới đây là bảng phân loại mức độ gầy - béo của một người dựa vào chỉ số BMI. Thang phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO) dành cho người châu Âu và thang phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO) được áp dụng cho người châu Á.
Ảnh: Internet
Tuân thủ 4 "kinh điển chống ung thư" để có sức khỏe tốt và sống thọ hơn
Trong nhiều thập kỷ nghiên cứu khối u, kinh nghiệm lớn nhất của giáo sư Tôn Yên chính là phòng ngừa quan trọng hơn điều trị.
1. Ăn no 70%
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng ăn no 70% là đủ để đạt được lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vào bữa tối. Vì lượng hoạt động sau bữa tối không nhiều như ban ngày nên nếu ăn nhiều trong bữa tối sẽ làm tăng nhu động tiêu hóa vào ban đêm. Hơn nữa, tuân thủ nguyên tắc ăn no 70% về lâu dài không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn giúp tinh thần luôn tỉnh táo.
2. Cố gắng không thức khuya
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ hoặc không ngủ khi bạn nên ngủ có thể gây hại cho chức năng miễn dịch. Người lớn nên đảm bảo ngủ 7-8 giờ mỗi ngày để có thể "sửa chữa và bảo trì" các chức năng khác nhau của cơ thể.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên đi ngủ sớm và dậy sớm, cố gắng duy trì thói quen đi ngủ lúc 11 giờ tối, và dậy lúc 7 giờ sáng. Càng lớn tuổi, thói quen đi ngủ muộn càng khiến cho cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy yếu, tâm trạng dễ bực bội, cáu gắt. Nếu bị mất ngủ, hãy uống một chút sữa trước khi đi ngủ, nghe nhạc hoặc thả lỏng cơ thể để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
3. Bổ sung nước kịp thời
Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người, thông thường lượng nước uống hàng ngày của một người là 2500ml, tương đương với 4 chai nước suối. Nước giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể, rất tốt cho sức khỏe.
Uống ít nước khiến cơ thể thiếu nước và các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như suy nhược cơ thể, nhiệt độ cơ thể tăng và huyết áp bất thường. Vì vậy, bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh. Hãy uống nước đun sôi, không nên uống nước giải khát.
4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm
Ung thư không phải là một căn bệnh cấp tính và hầu hết các bệnh ung thư phát triển từ sự viêm của cơ thể. Ngoài ra, bản thân ung thư là một sự thay đổi tế bào, do đó không dễ dàng để phát hiện.
Giáo sư Tôn Yên khuyên rằng kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp chúng ta nhìn thấy tình trạng sức khỏe, mà còn có thể phát hiện những tổn thương và ung thư. Từ đó, tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh.
Những thói quen sinh hoạt tưởng chừng như đơn giản này lại là "tiêu chuẩn vàng" để ngăn ngừa ung thư, muốn phòng chống ung thư thì phải bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ.
Theo Aboluowang