Chiều 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với phương án tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỷ đồng, mức vốn điều lệ cao nhất thị trường hiện nay.
Phát biểu tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ trong năm 2021, ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đây là năm đầu tiên trong giai đoạn đổi mới VPBank không đạt kế hoạch 16.600 tỷ đồng đã đề ra từ đại hội trước, chỉ đạt 14.364 tỷ đồng, tương đương 86% kế hoạch.
"Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh của FE Credit bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, lợi nhuận ghi nhận từ FE Credit theo kế hoạch là khoảng hơn 4.000 tỷ nhưng thực tế chỉ đạt 400 tỷ đồng. Đồng thời, cũng ảnh hưởng từ việc ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng", ông nói.
Trong năm 2021, ngân hàng mẹ ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu, đã trích lập dự phòng hơn 7.800 tỷ đồng, nếu tính cả FE Credit thì tổng mức trích lập là 19.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.
Tuy nhiên, trong số nợ xấu này, 97% khách hàng đã quay trở lại trả nợ đầy đủ, chỉ còn 3% phải tái cơ cấu lần 2.
"Mô hình kinh doanh của chúng ta là mô hình rủi ro nên chúng ta phải chấp nhận. Trong năm 2022, chúng ta có thể thu hồi lại một phần trong số trích lập dự phòng", Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.
Kế hoạch lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng
Tại đại hội, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, con số này vượt mức lợi nhuận của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 (Vietcombank với 27.376 tỷ đồng).
Cơ sở để đạt mức lợi nhuận trên là kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35% (còn phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước) từ 384.030 tỷ lên 518.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 27,4%, huy động vốn tăng 27,8%.
Trong quý I, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, mức cao nhất hiện nay trong hệ thống. Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết nếu không kể giao dịch bất thường thông qua hợp đồng bảo hiểm, thu nhập của ngân hàng đạt gần 6.000 tỷ trong đó ngân hàng mẹ đã vượt 5.000 tỷ. Công ty tài chính FE Credit mặc dù kết quả không quá khả quan tăng trưởng tín dụng đạt 1,6% nhưng nhờ tối ưu hoá, thu nợ,... mức lợi nhuận cũng mang về gần 800 tỷ đồng.
Ông đánh giá nền kinh tế đã cải thiện rất nhiều vào quý IV/2021 và đầu năm 2022, nhu cầu thị trường đang trong giai đoạn khôi phục và các chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao.
"Kế hoạch 2022 rất thách thức nhưng tính khả thi cao", Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhận định.
Tăng vốn khủng vượt 79.000 tỷ đồng
Trong năm 2022, ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thành hai đợt từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng, mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống hiện này.
Đợt 1, từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.
Đợt 2, ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.
Mức giá phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Ngân hàng sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại ngay khi có sự chấp thuận của NHNN và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến thực hiện trong năm 2022.
Nguồn vốn thu được sẽ được sử dụng nhằm tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, góp vốn/mua cổ phần, mua công ty con, công ty liên kết, hợp tác khác với các tổ chức tín dụng và các công ty con, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động,...
Ngân hàng cũng sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm kế từ ngày kết thúc đợt bán. Tỷ lệ này sẽ được giải toả dần theo tỷ lệ 30%, 35%, 35% qua các năm.
Giá bán dự kiến cho số cổ phiếu là 10.000 đồng. Số tiền thu được từ phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động của ngân hàng.
Mua công ty bảo hiểm OPES
Một trong những vấn đề quan trọng sẽ được trình tại đại hội của VPBank là việc mua lại CTCP Bảo hiểm OPES, có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.
Theo đó, VPBank sẽ mua 100% hoặc phần lớn (dự kiến trên 90%) vốn cổ phần của công ty với giá dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của công ty. Đại hội cổ đông sẽ xem xét uỷ quyền cho HĐQT được toàn quyền quyết định, tổ chức thực hiện, tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để VPBank tham gia phương án này.
Thảo luận:
Cổ đông: Việc mua bảo hiểm OPES có ảnh hưởng gì tới hợp tác chiến lược với AIA và tại sao phải mua lại mà không phải là hợp tác?
húng ta đã ký hợp đồng với AIA là nhân thọ và OPES là phi nhận thọ nên không có xung đột về lợi ích. Về việc có cần mua hay không hay chỉ cần hợp tác, thì do OPES là công ty phát triển về các sản phẩm số hoá (digital). Nếu chỉ hợp tác thì sẽ không có sự gắn bó chặt chẽ với nhau.
Theo kế hoạch, VPBank sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dần lên 100%, đưa OPES trở thành công ty con của ngân hàng, từ đó có cơ sở trao đổi thông tin, cùng nhau xây dựng các sản phẩm để bán chéo.
Cổ đông: Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài khi nào thực hiện xong?
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: Hiện tại quá trình đang diễn ra và diễn ra tích cực. Tôi đánh giá là tích cực, còn trong quý II xong không thì tôi nghĩ ra khó, thôi thì cứ chắc chắn chúng tôi dự kiến có thể công bố thông tin trong quý III.
Cổ đông: Mục đích mua lại công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán của VPBank là gì và ngân hàng có dự định IPO sau khi mua?
Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Việc mua công ty bảo hiểm OPES và chứng khoán VPBS thì nằm trong chiến lược chung của VPBank trong việc xây dựng hệ sinh thái. Đây là việc rất cần thiết. Còn về việc IPO thì cần cần nhắc mục đích, trong một hai năm đầu cần làm cho tốt về mặt kết quả kinh doanh.
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: Công ty chứng khoán sẽ là một trong những mảng tạo động lực tăng trưởng tốt trong các năm tới. Một mắt xích trong chiến lược ngân hàng đầu tư của ngân hàng. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng đang xây dựng và sẽ chia sẻ chi tiết sau khi hoàn thành.
Cổ đông: Việc chính phủ thắt chặt mảng BĐS có ảnh hưởng đến KHKD của VPBank trong năm 2022 hay không?
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: Chính sách thắt chặt của Chính phủ là chính sách bình thường khi thị trường phát triển nóng. Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS vẫn giữ một vai trò quan trọng do đó chúng tôi vẫn sẽ duy trì và thúc đẩy. Cho vay dự án BĐS chiếm chưa đầy 10% tổng dư nợ, gần 40% dư nợ mảng bán lẻ là cho vay người mua BĐS, đối với trường hợp này tôi thấy là nhu cầu thiết yếu của người dân và quan trọng với các ngân hàng trên thế giới.
Trong năm 2022, kể cả thị trường BĐS trầm lắng nhất định thì nó cũng sẽ ít ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng của VPBank do đầu tư công, đầu tư hạ tầng vẫn ở mức cao.
Cổ đông: Việc tăng vốn có khả thi khi thị trường chứng khoán không thuận lợi?
Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Thị trường chứng khoán không thuận lợi sẽ không ảnh hưởng đến tăng vốn do chúng ta tăng bằng các phương án là phát hành cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược.
Cổ đông: Kế hoạch tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận năm 2022 của VPBank là khá cao, cơ sở tăng trưởng là gì?
Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Ngoài nguồn thu từ tín dụng thì còn có thu từ phí, dịch vụ,.. Do đó, dù kịch bản tăng trưởng tín dụng là 23% hay cao hơn thì ban điều hành vẫn cam kết là sẽ thực hiện được kế hoạch lợi nhuận 30.000 tỷ như đã trình.
"Kế hoạch lợi nhuận năm nay hoàn toàn khả thi và ban điều hành sẽ phấn đấu thực hiện".
Cổ đông: Ban lãnh đạo có thể chia sẻ về tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và dự kiến kế hoạch phát triển mảng này ra sao trong thời gian tới?
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh: TPDN là kênh huy động vốn hết sức quan trọng đặc biệt là vốn trung dài hạn. Cuộc họp của Chính phủ mới đây đã khẳng định là một phần của thị trường vốn cần được phát triển. Đối với ngân hàng, việc ngân hàng đóng vai trò tham gia chính trong thị trường TPDN là hợp lý.
Hiện nay, dư nợ TPDN của VPBank khoảng 40.000 tỷ, chiếm 11-12% tổng dư nợ. Là một hình thức cấp vốn trung dài hạn thông thường và 100% TPDN của VPBank được thẩm định đúng quy trình và có tài sản bảo đảm. TPDN mà VPBank đầu tư đều được kiếm soát rủi ro tốt.
Chúng tôi sẽ kiểm soát không để cho tỷ lệ này quá cao nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ các dự án, DN tốt theo quy định của pháp luật.
Cổ đông: Ngân hàng đã mua lại công ty chứng khoán VPBS, liệu ngân hàng có kế hoạch dự phòng để hỗ trợ giá cổ phiếu khi thị trường giảm không?
Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Nhiệm vụ của HĐQT là làm sao để ngân hàng hoạt động sao cho tốt nhất từ đó mang lại giá trị cao nhất chongân hàng, cho cổ đông chứ không ảnh hưởng đến việc mua bán cổ phiếu tăng giảm.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ trong năm tới chúng tôi sẽ trình việc mua cổ phiếu quỹ. Đây là một nghiệp vụ thông thường khi có lợi nhuận thặng dư của các tổ chức niêm yết. Hoặc chúng tôi sẽ điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu cho nước ngoài để sao cho có lợi nhất cho cổ đông, cho ngân hàng.
(Tiếp tục cập nhật....)