Chứng khoán

ĐHĐCĐ OGC: Sau 2 năm bị phủ quyết, tất cả nội dung ĐHĐCĐ năm nay đã được 100% thông qua, đại diện của IDS Equity Holdings được bầu làm Chủ tịch OGC

CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group – mã OGC) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra ngày 29/4/2022, thông qua bổ nhiệm HĐQT và kế hoạch năm 2022 sau khi HĐQT mới bắt đầu nhiệm kỳ.

Theo đó, Đại hội đã thông qua miễn nhiệm 4/5 thành viên HĐQT và 3/3 thành viên Ban kiểm soát và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là bà Phạm Thị Hồng Nhung và bà Nguyễn Thị Thanh Hường, 2 thành viên HĐQT độc lập là bà Lê Thị Việt Nga cùng 3 thành viên Ban kiểm soát là bà Trịnh Thị Trang, bà Trần Thị Trang và ông Phạm Trung Hiếu.

Do ông Lò Hồng Hiệp đã nộp đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc nên Tổng giám đốc hiện tại của OGC là bà Phạm Thị Hồng Nhung. Bên cạnh đó, sau đại hội, HĐQT đã họp và bầu bà Việt Nga làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn.

Xây dựng kế hoạch cho năm 2022, HĐQT và Ban điều hành xác định tập trung vào việc tiếp tục duy trì và giữ ổn định doanh nghiệp, cơ cấu tài chính, chuẩn bị các phương án hoạt động sau dịch bệnh, kêu gọi các sự hợp tác/đầu tư và củng cố các nguồn lực hiện có.

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn và sản xuất thực phẩm, OGC sẽ phát huy thế mạnh riêng của từng đơn vị, xác định rõ phân khúc thị trường để tập trung các giải pháp thu hút khách hàng; tìm kiếm các thị trường mới và mở rộng tối đa các kênh bán hàng, marketing.

Đối với các dự án bất động sản và đầu tư, OGC sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án khi có đủ điều kiện. Theo đó, OHC sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng Kem Tràng Tiền và Bánh Givral và rút vốn tại Dự án Công viên Hồ Điều Hòa, Dự án Licogi 19, Dự án Gia Định Plaza. Ngoài ra, OGC cũng sẽ nghiên cứu đầu tư từ 1 đến 2 Dự án mới về lĩnh vực Bất động sản khu công nghiệp, kho vận, nhà ở, …

"Với quỹ tài sản lớn và hoạt động đầu tư trải dài ở nhiều mảng nên OGC có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển nhanh. Trái lại, muốn làm được điều này, OGC cũng cần phải có nguồn lực rất lớn để đầu tư và tái khởi động các dự án đang bị đóng băng và tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn cũng như cho cổ đông. Hiểu rõ sự cần thiết của việc thu xếp nguồn vốn lớn để có thể triển khai ngay các dự án, Ban lãnh đạo mới của OGC đã trình bày kế hoạch rất chi tiết với một số định chế tài chính, tập đoàn bất động sản lớn trong và ngoài nước để đồng hành cùng OGC trong thời gian tới"

Riêng định hướng với công ty con OCH, bà Nga nhấn mạnh OCH là một trong những thành tố quan trọng của OGC với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như bất động sản, khách sạn, thực phẩm. Tuy nhiên đang có sự trùng lặp về các mảng kinh doanh cốt lõi giữa OGC và OCH, thời gian tới Hội đồng quản trị OGC không loại trừ sẽ thực hiện việc tái cấu trúc theo hướng chuyển nhượng một số dự án bất động sản từ OCH về OGC để trực tiếp phát triển dự án. Tất cả các phương án sẽ đều được cân nhắc kỹ lưỡng để OGC khôi phục lại thương hiệu, uy tín của một công ty bluechip trong ngành và tối ưu quyền lợi cho các cổ đông OGC và OCH", bà Nga chia sẻ.

Mục tiêu của việc này là nhằm tối ưu hóa nguồn lực giữa OGC và OCH, tạo điều kiện thu hút vốn nguồn vốn hợp tác, nâng cao khả năng sinh lời các dự án bất động sản và khách sạn sau dịch Covid-19. "Đặc biệt, nguồn vốn mới cũng sẽ tập trung cho các dự án đất vàng đang dang dở để đưa vào hoạt động", bà Nga nhấn mạnh.

Tại đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng, tổng doanh thu hợp nhất 937 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đại hội cũng ủy quyền cho HĐQT lựa chọn và quyết định địa điểm trụ sở chính và tên công ty, giao cho người đại diện pháp luật thực hiện các thủ tục cần thiết để thay đổi trụ sở chính và tên công ty.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm