Đa số ý kiến đều đồng tình với việc đàn ông khỏe mạnh, sức khỏe tốt nên nhường ghế cho người già yếu, không phân biệt giới tính, người tàn tật, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Nhưng nam giới có nên nhường ghế cho phụ nữ khỏe mạnh, không có vấn đề về sức khỏe?
"Tại sao nam giới phải làm như vậy? Việc từ chối nhường ghế cho phái yếu có phải là dấu hiệu chứng tỏ sự ăn mòn đạo đức và thiếu nam tính", một độc giả người Anh thắc mắc.
Năm 2019, nhà văn kiêm nhà báo Nirpal Dhaliwal, 45 tuổi bày tỏ quan điểm trên chương trình Good Morning Britain! (Chào buổi sáng nước Anh!) rằng nam giới và nữ giới là bình đẳng, đều phải đi làm, mất tiền mua vé xe và duy trì cuộc sống. "Vậy tại sao tôi bị lên án, chỉ trích nếu không nhường ghế cho một cô gái có thể chất, sức khỏe tốt?", nhà văn đến từ London nói trong cuộc tranh luận về chủ đề "liệu nữ quyền có đang giết chết tinh thần hiệp sĩ?".
Dhaliwal cho rằng không ít đàn ông bị lên án vì không hào hiệp giúp đỡ nữ giới. "Nhưng đó là hoạt động một chiều. Tức là chúng tôi luôn bị khoác cho nghĩa vụ phải cho đi lòng tốt. Nhưng chưa người phụ nữ nào từng nhường ghế ngồi, ngay cả khi tôi tập tễnh bước lên xe vì chấn thương. Họ cũng không mở cửa hay kéo ghế giúp tôi", ông nói.
Tiến sĩ Oliver Scott Curry, chuyên gia về hành vi con người, tại Đại học Oxford, Anh cho biết: "Mọi người đều chờ đợi nam giới giúp đỡ vì nghĩ đó là điều nên làm". Ngôi sao Gogglebox và chuyên gia về nghi thức xã hội Mary Kille cũng nhắc về phong tục "đàn ông luôn phải nhường chỗ cho phụ nữ và người lớn tuổi".
Trong một cuộc khảo sát ở Anh với 2.000 người đi làm thường xuyên, chỉ 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ nhường ghế cho một phụ nữ mang bầu. Trong khi đó, 30% cảm thấy điều này chỉ cần thiết nếu nữ giới mang bầu ở những tháng cuối thay kỳ.
Noreen Khan, người dẫn chương trình của BBC Asian Network, đồng thời là diễn viên hài tham gia cuộc tranh luận với Dhaliwal, nói rằng bản thân chưa từng mong đợi một người đàn ông nhường ghế. Nhưng cô vẫn vui vẻ nhận lời nếu ai đó đề nghị. Cô nói nữ quyền và tinh thần hiệp sĩ có thể "cùng tồn tại". Một hành động như vậy sẽ không mâu thuẫn với các giá trị nữ quyền.
"Tôi tự cho mình là một nhà nữ quyền và không cảm thấy bị xúc phạm nếu có một người đàn ông hào hiệp ngỏ ý giúp đỡ. Tôi sẵn sàng nói "vâng, làm ơn" nếu anh ta giúp mở cửa xe hoặc xách hộ hành lý, dù không yêu cầu", Noreen nói và nhấn mạnh "việc không nhường ghế cho nữ giới không thể nào đánh giá bản chất của một người đàn ông".
Còn với Dhaliwal, anh cho rằng bản thân sẽ chỉ nhường ghế và ngỏ ý giúp đỡ những người anh thấy họ đang cần hỗ trợ.
(Theo BBC, Independent, Mirror)