Mới đây, hãng thông tấn Reuters (Anh) đã đưa tin về những hướng dẫn viên du lịch đặc biệt ở Việt Nam tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Họ là những hướng dẫn viên du lịch được Reuters mô tả là những người "biết rất rõ giá trị của các loài cây", bởi điều đặc biệt ở những người này là họ từng có quá khứ làm "lâm tặc'.
Nguyễn Ngọc Anh, 36 tuổi, là nhân vật xuất hiện trong video phóng sự và bài viết của Reuters. Sau khi từ bỏ việc gây ra những "vết sẹo" cho rừng, anh Ngọc Anh hiện đang làm công việc hướng dẫn viên du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trả lời phóng viên về quá khứ của mình, anh Ngọc Anh cho biết trước kia anh thường "hợp tác" với những "lâm tặc" khác, mỗi lần nhóm người này lại cõng số gỗ khai thác trái phép nặng đến cả tạ ra khỏi rừng để đem bán.
Nhưng khi tận mắt chứng kiến hậu quả nặng nề do cây rừng bị đốn hạ khiến mưa lũ trút xuống vùng quê của anh càng dữ dội, anh Ngọc Anh cùng nhiều "lâm tặc" khác đã quyết định chuyển hướng sang lịch để bảo tồn thiên nhiên.
"Trước kia, mỗi khi nhìn thấy một cái cây lớn, tôi thường tự nhẩm trong đầu xem cây cao bao nhiêu, và chặt thành những khúc gỗ với kích thước khác nhau ra sao", anh Ngọc Anh nói. "Nhưng giờ đây sau khi đã chuyển sang làm du lịch, khi tôi nhìn thấy cái cây lớn như vậy, tôi sẽ giải thích cho du khách rằng nó hiếm đến thế nào, và giá trị ra sao."
Anh Ngọc Anh là một trong số 250 cựu "lâm tặc" đang làm việc cho một công ty du lịch mạo hiểm tại Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ngoài nhiệm vụ đưa du khách trải nghiệm con đường xuyên rừng, những hướng dẫn viên du lịch đặc biệt như anh Ngọc Anh còn giúp đỡ kiểm lâm tuần tra các con đường mòn trong rừng để ngăn chặn những kẻ săn trộm, gỡ bỏ bẫy thú và dọn rác.
Theo Reuters, mặc dù thu nhập của những người hướng dẫn viên du lịch đặc biệt như anh Ngọc Anh chưa được một nửa so với trước đây, nhưng họ đều rất hy vọng thu nhập sẽ được cải thiện hơn khi ngành du lịch phục hồi và Việt Nam mở rộng cửa đón du khách hậu đại dịch.
Theo Global Forest Watch, Việt Nam mất khoảng 3 triệu ha cây che phủ từ năm 2001 đến năm 2020 - giảm 20% so với 20 năm trước. Kể từ năm 2007, chính phủ Việt Nam đã quyết tâm xử lý mạnh tay những hành vi khai thác gỗ trái phép và điều này đã giúp làm chậm tốc độ phá rừng. Việt Nam đã tham gia cam kết toàn cầu chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Như báo Người Lao động từng đưa tin trước đó, nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy trong 20 năm qua, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu - và mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hằng năm.
Cùng với nạn phá rừng là các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất... gây trở ngại đến sự phát triển của đất nước và an toàn của người dân. Do đó, việc những cựu "lâm tặc" như nhân vật Ngọc Anh trong bài viết của Reuters có nhận thức đúng đắn về những nguy cơ và được trao cơ hội việc làm đóng góp cho sự phát triển bền vững là điều rất cần thiết./.