Gặp khó mùa cao điểm
Du lịch Việt Nam lâu nay lúng túng khi tìm cách cạnh tranh với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn kỳ vọng Việt Nam sớm có bước đột phá để rút ngắn khoảng cách với Thái Lan, vì "nếu không có những giải pháp ngay từ bây giờ, du lịch Việt sẽ mãi tụt lại phía sau". Năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu khách quốc tế Thái Lan đã đón 40 triệu. Năm 2023 Việt Nam chỉ đặt mục tiêu đón 8 triệu khách, Thái Lan đặt mục tiêu đón 25 triệu khách.
Du lịch Việt bị cản trở từ nội tại, không phải do nguyên nhân ngoại lai. Tình trạng chộp giật, manh mún như hiện tại chính là "lấy đá ghè chân mình" rất thiếu bền vững.
Vào mùa cao điểm, khách du lịch nội địa gặp khó khi nhu cầu tăng cao, giá cả đắt đỏ. Theo khảo sát của PV Tiền Phong, những ngày đầu tháng 4 khởi động mùa du lịch nghỉ lễ, trên website bán vé của các hãng hàng không, giá vé bay từ 28/4 đến 4/5 thay đổi liên tục theo từng giờ, một số chặng bay hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia. Chặng từ Hà Nội - Phú Quốc lên tới 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi. Như vậy riêng giá vé máy bay khứ hồi bằng với nhiều tua xuất ngoại sang Thái Lan, Singapore...
Nhiều chuyên gia cho rằng giá vé máy bay tăng cao nằm trong kịch bản được dự báo trước. Các hãng hàng không có cơ sở khi tăng giá vé. Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho Tiền Phong biết, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa thường được các hãng hàng không thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm nhiều mức giá từ thấp đến cao với các điều kiện giá vé khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
“Hành khách mua từ sớm sẽ có cơ hội mua được mức giá thấp, mua sát ngày nhiều khả năng sẽ phải trả giá cao hơn do đã hết chỗ giá tiết kiệm”, ông Nề phân tích. Trong dịp cao điểm, các chuyên gia đều cho rằng muốn có giá hợp lý không thể thiếu sự điều tiết của "nhạc trưởng".
Bỏ tư duy manh mún
PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, ngành du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp. Du lịch không thể tự phát triển mà rất cần những ngành khác hỗ trợ như xây dựng, hàng không, thương mại…Ông cho rằng, nếu không loại bỏ được cách làm việc “địa phương chủ nghĩa”, angành nào biết ngành đó, vùng nào biết vùng đó, du lịch Việt Nam khó vươn tầm.
“Nhìn sang nước bạn như Thái Lan, Singapore sức cạnh tranh rất lớn. Thị trường du lịch luôn sôi động vì có Chính phủ điều hành, trợ cấp cho ngành hàng không trong giai đoạn cao điểm. Chính phủ Thái Lan có thể hỗ trợ nguồn tiền khi du lịch Thái Lan vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Thậm chí, các khách sạn cũng được hỗ trợ để có mức giá cạnh tranh nhất. Cơ cấu giá thành, di chuyển và lưu trú luôn chiếm tỷ trọng cao đối với giá tua du lịch”, PGS. TS Phạm Trung Lương lý giải.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, Chính phủ Thái Lan lựa chọn cách điều tiết tổng thể. Khách du lịch tới Thái Lan góp phần phát triển kinh tế đêm, các dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí. Nhà nước thu lợi nhuận từ nguồn thuế do hệ thống dịch vụ du lịch, thương mại đem lại. Như vậy, cả nền kinh tế nói chung có lãi. Dù giá tua rẻ hơn nhưng chi phí thu lại từ giải trí, mua sắm rất lớn”, PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích. Thực tế, Thái Lan đang áp dụng chính sách chỉ đón khách Trung Quốc có mức chi tiêu tối thiểu 1 nghìn USD, tìm cách tăng chi tiêu của khách thay vì tăng giá tua.
Ngược lại, du lịch Việt Nam thiếu sự kết nối, không có bàn tay điều tiết của “nhạc trưởng” dẫn đến khó phát triển đồng bộ. “Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thực tế chưa phát huy hết vai trò chỉ đạo. Lâu nay các giải pháp cứu trợ, kích cầu du lịch hạn chế và ít đồng bộ. Nếu còn giữ tính địa phương chủ nghĩa, coi trọng thành tích, nặng lợi ích cá nhân sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch”, ông Phạm Trung Lương chia sẻ với Tiền Phong .
Du lịch Việt bị cản trở từ nội tại, không phải do nguyên nhân ngoại lai. Tình trạng chộp giật, manh mún như hiện tại chính là "lấy đá ghè chân mình" rất thiếu bền vững. Khi xây dựng chiến lược Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam lần thứ nhất (1994), PGS.TS Phạm Trung Lương từng đề xuất trích 50% nguồn thu từ visa quốc tế vào Việt Nam sử dụng để tôn tạo, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa - nguồn tài nguyên phục vụ du lịch. Việt Nam có thể dựa vào đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh tình trạng cạn kiệt vì khai thác tận thu. Ông cũng chỉ ra câu chuyện thiếu sự điều tiết của "nhạc trưởng" ngày từ thời điểm đó.
Nói thêm về vai trò điều phối, ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh, hàng không là thị trường có tính cạnh tranh cao, ở phạm vi trong nước, khu vực và toàn cầu. Ngoài việc đảm bảo đủ nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, các hãng hàng không phải chấp hành chủ trương bình ổn giá và tạo tiện ích cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề xuất, nhà nước nên tiếp tục chính sách giảm phí và lệ phí, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hàng không đến hết năm 2023 để giảm bớt khó khăn và kích cầu du lịch.
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 , ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) nói rằng, các bên phải bắt tay nhau để tạo ra các chính sách giá thuận lợi nhất, nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Ông Võ Anh Tài nêu ví dụ, Saigontourist Group trong năm 2023 sớm tung ra chương trình khuyến mãi quy mô lớn, kích cầu đồng loạt các dịch vụ phòng ngủ, ăn uống, hội nghị hội thảo, tua… với sự tham gia của trên 70 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu giải trí với mức ưu đãi cao.