Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đưa cổ phiếu VTR ra khỏi diện hạn chế do vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm 2022 không còn âm. Đến hết 31/12, vốn chủ sở hữu của Vietravel ở mức 121 tỷ đồng.
Từ giữa tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu của đại gia ngành du lịch chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần bởi vốn chủ sở hữu âm hơn 104 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo tài chính bán niên. Hiện tại, Vietravel có khoảng 29,3 triệu cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Vietravel thoát âm vốn chủ sở hữu nhờ sự hồi phục nhanh của ngành du lịch. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 3.800 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Lợi nhuận gộp khoảng 306 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị âm 275 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế 104 tỷ đồng.
Đầu tháng 4, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cũng hoàn tất việc mua thêm 1 triệu cổ phiếu VTR. Sau giao dịch, VinaCapital sở hữu 2,85 triệu cổ phiếu VTR, chiếm tỷ lệ 9,97% vốn tại hãng lữ hành này. Theo đại diện Vietravel, việc VinaCapital tham gia đầu tư vào sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho công ty mở rộng nguồn vốn nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch cũng như đa dạng hóa các lĩnh vực, ngành nghề.
Hãng hàng không Vietravel Airlines - một trong những mảng kinh doanh chủ lực khác của Vietravel - cũng bớt khó khăn. 3 tháng đầu năm, hãng thực hiện gần 1.600 chuyến bay. Vietravel Airlines đã mở 2 đường bay quốc tế kết nối Bangkok với Hà Nội, TP HCM, với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 90%.
Dự kiến trong năm nay, Vietravel Airlines tiếp tục mở rộng mạng bay cả trong và ngoài nước, tăng số đường bay thường lệ lên 13 đường bay, chuyên chở hơn 1,3 triệu hành khách. Ngoài ra, hãng cũng đã có kế hoạch tổ chức các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.