Biến đổi khí hậu – câu chuyện không của riêng ai
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng chung đến toàn cầu, đăc biệt là với các nước đang phát triển kinh tế như Việt Nam. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát thải bằng không – Net Zero vào năm 2050.
Đây là tiền đề để các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chú trọng hơn đến việc giảm phát thải khí nhà kính nói riêng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững nói chung… để cùng chung tay tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Là doanh nghiệp thép mạ rất tâm huyết với trách nhiệm xã hội và cộng đồng tại Việt Nam, NS BlueScope Việt Nam có tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng bền vững để toàn bộ chuỗi tiến đến trung hòa carbon theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Trước đó, năm 2019, NS BlueScope Việt Nam đã ra mắt Diễn đàn về chuỗi cung ứng bền vững với tên gọi "Supply Chain Sustainability" nhằm giới thiệu các tiêu chuẩn của Tập đoàn BlueScope về phát triển bền vững và các nguyên tắc hoạt động, tầm nhìn dành cho chuỗi cung ứng của Công ty. Sau khi toàn ngành quay trở lại trạng thái bình thường mới, Công ty này đã triển khai ngay chương trình Nguồn cung ứng cho trách nhiệm giai đoạn 2022 – 2030, tập trung vào các tiêu chuẩn bền vững dành cho nhà cung cấp thuộc chuỗi cung ứng của Công ty, cập nhật thêm các tiêu chuẩn về chống biến đổi khí hậu.
"Trong vòng tám năm tới, chúng tôi đặt lộ trình sẽ giảm 30% lượng phát thải carbon và tiến tới đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 – theo đúng mục tiêu Chính phủ đề ra. Chúng tôi hy vọng lan tỏa mục tiêu này cho toàn bộ chuỗi cung ứng của mình để tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp cùng tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050," bà Bùi Phương Mai, Phó Tổng giám đốc quản lý chuỗi cung ứng NS BlueScope Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.
Lên dây cót cho việc giảm phát thải khí nhà kính
Đầu tháng 1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022 về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone, trong đó yêu cầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải từ 3.000 tấn CO2 trở lên (tức mức tiêu thụ hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương hoặc cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn). Do đó, trung hòa khí thải carbon không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các quy định của Nhà nước mà còn phục vụ hoạt động trong tương lai, khi doanh nghiệp gia nhập các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật, Liên minh Châu Âu… vì Net Zero là xu hướng chung của thế giới.
Theo bà Nguyễn Đình Minh Tâm – Giám đốc vận hành Tuân thủ và Quản lý rủi ro, BSI Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính đa phần đến từ việc sử dụng nguyên liệu. Đó là các nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất, vận chuyển… Như vậy đây cũng sẽ là trọng tâm để giảm phát thải khí nhà kính. "Chúng ta cần tập trung nhiều vào vấn đề làm thế nào để sử dụng năng lượng hay sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả và thứ hai là tập trung vào việc giảm phát thải, cải thiện quy trình nâng cao hiệu suất vận hành," bà Tâm nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Bà Nguyễn Đình Minh Tâm cho rằng việc sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả là trọng tâm để giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, đã có rất nhiều đối tác của NS BlueScope Việt Nam tiên phong giảm phát thải carbon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Đơn cử, Công Ty TNHH TM DV Vận Tải Hoa Lâm đã thực hiện vận tải xanh, chuyển đổi các phương tiện vận chuyển từ công nghệ EURO2 sang EURO4. Công ty Posco Việt Nam thực hiện các cải thiện tích cực trong vận hành sản xuất, cắt giảm 70% nhiên liệu tiêu thụ đối với hệ thống lò hơi. Hay WESTERN Refrigeration được biết đến là đơn vị với những giải pháp xanh từ vật liệu đem đến hiệu quả cho công trình xanh, ví như giải pháp lõi cách nhiệt QuadCore cho kho lạnh, giúp giảm thiểu năng lượng tiêu thụ cho công trình từ 15-20%.
NS BlueScope Việt Nam tôn vinh các đối tác trong chuỗi cung ứng có nhiều nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Được biết, nối tiếp Diễn đàn này, NS BlueScope Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các buổi Hội thảo, tọa đàm, tham quan thực tế… để đào tạo và xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm với môi trường và xã hội.