Chiều 26/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của CTCP Tập đoàn PAN Group (Mã: PAN).
Tính tới 14h05 đại hội có sự tham gia của hơn 109 triệu cổ phiếu, tương ứng với 52,2% cổ phần có quyền biểu quyết của tập đoàn và đã đủ điều kiện tiến hành. Kết thúc đại hội toàn bộ tờ trình đều được thông qua.
Chốt không chia cổ tức 2021 và 2022 để dồn lực cho M&A
Năm 2022, PAN Group đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần hợp nhất là 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 755 tỷ đồng, tương ứng tăng 54,6% và tăng 48% so với năm 2021. Lợi nhuận ròng mục tiêu là 355 tỷ.
Doanh nghiệp cũng được ĐHĐCĐ thông qua việc không chi trả cổ tức năm 2021 và 2022 để dồn nguồn lực cho việc thực hiện chiến lược M&A cho tăng trưởng của PAN trong giai đoạn tới.
Năm 2022, các mảng kinh doanh của Tập đoàn PAN đều có kế hoạch tăng trưởng tốt về cả doanh thu và lợi nhuận.
Mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng sẽ hưởng lợi từ việc điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh bán hàng không còn bị cản trở do dịch bệnh, giãn cách năm 2022. Nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.
Mảng thực phẩm bánh kẹo (Bibica - Mã: BBC) dự kiến có sự phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch. Trong khi đó mảng hạt xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao từ năm 2021, sẽ thực hiện việc tăng quy mô sản xuất trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu rất cao hiện tại với các sản phẩm của công ty.
Trong khi đó mảng xuất khẩu thủy sản (FMC, ABT) sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật,..khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh của nền kinh tế.
PAN cũng cho biết năm 2022 doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với các rủi ro và thách thức trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Cụ thể, sự tái bùng phát của dịch bệnh cũng như chính sách về thuế và hạn ngạch thương mại của các nước mà PAN đang xuất khẩu cũng như các chính sách của chính phủ liên quan đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như đầu ra cho sản phẩm của công ty.
Rủi ro về những ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị tại Đông Âu dẫn đến giá cả các mặt hàng và dịch vụ đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng của PAN gặp nhiều biến động theo hướng bất lợi. Nếu tình trạng kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất và biên lợi nhuận của các mảng kinh doanh chính như thủy sản hoặc nông nghiệp.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu như Việt Nam, xâm nhập mặn, lũ lụt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tác động rất lớn đến diện tích canh tác, năng suất và chất lượng cây trồng.
Định hướng chiến lược của tập đoàn trong giai đoạn 2020 – 2025 là tập trung phát triển năng lực sản xuất lõi tại từng mảng kinh doanh, trên nền tảng sẵn có; đồng thời tận dụng cơ hội, nếu có, trên thị trường để M&A các công ty tốt, phù hợp với ngành nghề kinh doanh và chiến lược phát triển. Do vậy, trong năm 2021, Tập đoàn không phát sinh hoạt động M&A lớn, một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn cho công tác tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2022 sẽ chính thức hết nhiệm kỳ vào Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, HĐQT đã được ĐHĐCĐ thông qua số lượng và bầu cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới 2022 – 2027 như sau:
Trong 7 gương mặt ở HĐQT, có ông Bùi Xuân Tùng (1953), quốc tịch Hoa Kỳ, là thành viên mới.
Thảo luận:
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tháng 1/2022, trong buổi họp đã thông qua phương án tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ. Đến hiện tại, quá trình tăng vốn có vướng mắc, điều chỉnh gì không?
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT: Ngay sau khi họp ĐHĐCĐ bất thường, hồ sơ chào bán đã được gửi đi ngay cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Tuy nhiên đến hiện tại, ông Hưng cũng không rõ khi nào UBCKNN mới trả lời. Tất cả tài liệu tăng vốn và hồ sơ tăng vốn, phía UBCKNN giải quyết rất lâu và cẩn thận, không chỉ riêng mình PAN.
Có những hồ sơ chào mua công khai, trước đây chỉ mất vài ngày nhưng hồ sơ của Bibica phải mất tới 3-4 tháng.
Về phía PAN, phương án chào bán không có gì thay đổi. Chính vì việc không rõ khi nào mới được thông qua hồ sơ nên PAN phải hoãn chia cổ tức để chủ động nguồn lực
Trong cuộc họp đầu năm 2022, công ty có kế hoạch dành khoảng 2 triệu cổ phiếu quỹ chia ESOP cho nhân viên với giá 16.000 đồng/cp trong khi giá thị trường khoảng 38.000 đồng/cp. 5 triệu cp còn lại chưa có kế hoạch bán do giá thị trường chưa tương xứng với giá trị của tập đoàn. Theo Chủ tịch, giá cổ phiếu PAN là bao nhiêu thì tương xứng với vị thế của PAN?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Dưới 38.000 đồng/cp thì công ty sẽ không bao giờ bán. Còn mức giá nào tương xứng với PAN thì ông Hưng từ chối chia sẻ do còn giữ cho công ty quyền khi đàm phán với đối tác để không bị lộ thiên cơ.
Theo cách tính giá sau khi chia cổ tức và phát hành riêng lẻ, giá cổ phiếu rơi vào khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cp sau điều chỉnh. Việc phát hành ESOP giá 16.000 đồng/cp và hạn chế chuyển nhượng trong ba năm thì mức giá ESOP này không còn ưu đãi?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Quan điểm của cán bộ công nhân viên lại khác, ít người coi đó là lương mà họ coi đó là sự đồng hành cùng tập đoàn.
Cổ phiếu cơ bản như PAN và cổ phiếu rác thì nhìn ở yếu tố nội tại sẽ khác nhau. Những người ở trong cuộc sẽ nhìn yếu tố nội tại hơn là các yếu tố giá cả của thị trường.
Ngày 12/3/2020, khi thị trường giảm sâu tập đoàn có mua khoảng 21,6 triệu cổ phiếu quỹ với giá trung bình khoảng 22.900 đồng/cp. Hiện tại giá cổ phiếu PAN đang tiệm cận mức này. Trong bối cảnh 2021 và 2022 không chia cổ tức thì việc hỗ trợ giá cổ phiếu cho cổ đông là hoàn toàn phù hợp, tránh thiệt thòi cho cổ đông. Công ty có kế hoạch hỗ trợ giá cổ phiếu cho cổ đông qua cổ phiếu quỹ hay đánh giá lại các khoản đầu tư vào Sao Ta hay Vinaseed không?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Mua cổ phiếu quỹ là một giải pháp tuy nhiên có cách dễ hơn là kiếm đối tác có sẵn nguồn lực để mua cổ phiếu với khối lượng lớn.
Khi mua cổ phiếu quỹ tức là mình đang cố tác động làm thay đổi giá cổ phiếu thì đối tác, cổ đông nhìn vào sẽ không tin tưởng nữa.
Ông Hưng thẳng thắn khẳng định bản thân ông và người thân không mua/bán bất cứ một cổ phiếu nào kể cả PAN lẫn SSI. Ông nhấn mạnh hiện chúng ta đang tạo 100% sự minh bạch cho thị trường, giá cổ phiếu trồi sụt là do thị trường, nếu cảm thấy giá về vùng rất rẻ thì sẽ có các tổ chức quan tâm.
Bản thân PAN đã có tổ chức muốn mua ngay cổ phiếu nhưng quy định về mua/bán cổ phiếu của công ty hiện nay đang rất phức tạp.
Về việc định giá lại tài sản, tập đoàn có thể kiếm đối tác chiến lược để mua lại một phần Vinaseed để định giá lại doanh nghiệp tương tự như C.P và Sao Ta (Mã: FMC). Tương tự đối với cả Bibica hay ABT. Do đó, tập đoàn cần chiến lược để mở rộng sau đó kiếm đối tác chiến lược để họ mua lượng lớn cổ phiếu đối với các doanh nghiệp nhỏ.
10 năm qua, ngay từ đầu chúng ta xây dựng tập đoàn theo chiến lược lâu dài. Nếu nhìn vào ngắn hạn thì rất khó để phát triển.
Tập đoàn cam kết với cổ đông là hàng năm vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Nếu chỉ nhìn vào ngắn hạn thì trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu như vậy. PAN thì trung thành với phát triển bền vững và gặt hái khi mọi thứ tốt lên.
Chia sẻ bên lề cuộc họp, ông Hưng cũng cho rằng với nhà đầu tư, quan trọng nhất vẫn là giá cổ phiếu. Ông Hưng thẳng thắn nhận định chưa bao giờ chối bỏ bất kể cam kết gì với đã nói cổ đông, duy chỉ có giá cổ phiếu thì phải "chịu thua". Tuy nhiên ông Hưng cho rằng sau mỗi lần thị trường được kiểm soát lại thì những gì của PAN sẽ khác biệt so với phần còn lại.
Quý IV/2021, PAN có bán cổ phần Sao Ta cho C.P Việt Nam. Như công ty chia sẻ là có mâu thuẫn lợi ích cổ đông giữa C.P và Sojite sau đó Sojitz có thoái vốn toàn bộ cổ phần tại PAN. Tập đoàn có cân nhắc lợi ích giữa việc từ bỏ cổ đông chiến lược khoảng 3 năm để bán cổ phần cho C.P. Ngoài cung cấp con giống, thức ăn thì C.P có đóng góp gì cho tập đoàn không?
Ông Nguyễn Duy Hưng: C.P và tập đoàn cùng nhau chia sẻ lợi ích với nhau. Nếu đầu tư vào PAN thì phải vì lợi ích chung là PAN và quyền lợi của họ được hưởng thông qua phần góp vốn vào tập đoàn chứ PAN không trở thành một công ty con hay chịu lệ thuộc bất cứ điều gì với một nhà đầu tư nước ngoài nào, đó là nguyên tắc.
Câu chuyện C.P hay Sojitz cảm thấy hài lòng hay không là do quan điểm của đối tác. Không có hi sinh hay thua thiệt gì ở đây, nếu cùng lợi ích thì ngồi chung với nhau, mỗi bên đều quyết định lợi ích của mình trên cơ sở không làm tổn hại lợi ích của bên kia.