Khi Indonesia thông báo về lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, thị trường đã có phen sóng gió do lo ngại khan hiếm nguồn cung. Sau đó, quốc gia Đông Nam Á cho biết họ chỉ ngừng xuất khẩu RBD, một loại sản phẩm đã được chế biến, trong khi các lô dầu cọ thô vẫn tiếp tục được xuất khẩu.
Dẫu vậy, động thái của Indonesia vẫn gây tác động mạnh tới thị trường dầu thực vật trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine gây ra nhiều gián đoạn về nguồn cung.
Dầu cọ là một trong những mặt hàng chủ lực đa năng, được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm từ đồ ăn tới mỹ phẩm hay nhiên liệu sinh học. Động thái này có thể làm tăng chi phí sản phẩm góp mặt trong đời sống hàng ngày của hàng tỷ người. Các sản phẩm thông dụng như bánh quy, mì, bánh ngọt và kem có thể chịu ảnh hưởng tăng giá. Nó cũng có thể làm tăng rủi ro lạm phát đối với các nhà nhập khẩu hàng đầu như Ấn Độ hay Trung Quốc.
"Nguồn cung sẽ khan hiếm cho đến ít nhất là cuối năm nay, khi các nhà sản xuất hàng đầu của Indonesia thực hiện các động thái để đảm bảo nguồn cung nội địa của mình. Bất kỳ sự điều chỉnh nào trên thị trường cũng sẽ trở thành động lực chính cho việc mua vào", Rajesh Modi, một trader tại Sprint Exim Pte ở Singapore, cho biết.
Giá dầu cọ đã tăng 2,6% lên 6.289 ringgit/tấn vào lúc 11h11 sáng nay tại Kuala Lumpur. Một ngày trước đó, giá đã tăng 7% trước khi giảm 4%. Dầu đậu nành cũng tăng giá 0,8% trong phiên giao dịch ngày 26/4.
Indonesia ban bố lệnh cấm ngay trước khi quốc gia Hồi giáo này bước vào kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr. Tình trạng thiếu dầu ăn tại quốc gia này đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố và trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của TỔng thống Joko Widodo vì lo ngại nó có thể làm tăng giá các loại thực phẩm khác.
Tham khảo: Bloomberg