Trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho biết khách quốc tế đến Việt Nam đạt 870.000 lượt khách. Mặc dù tăng 23,2% so với tháng trước, số lượng khách vẫn thấp hơn 42% so với mức trước COVID (tháng 1/2019).
Tăng trưởng chủ yếu đến từ du khách Mỹ (tăng 49,6% so với tháng trước) và Hàn Quốc (tăng 28,5%), trong đó khách Hàn Quốc chiếm 30% tổng số lượt khách quốc tế đến.
Đáng chú ý, khách Trung Quốc còn thấp hơn tháng 12/2022 (giảm 6,6% so với tháng trước và chỉ bằng khoảng 3% mức năm 2019). Do đó SSI cho rằng chưa thấy tác động tăng từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Theo khối phân tích, Khách Trung Quốc tăng yếu có thể do một số rào cản chính sách hạn chế khách du lịch như việc chưa mở bán các gói du lịch theo nhóm và hạn chế công suất chuyến bay từ phía Trung Quốc. Các chuyên gia tại đây ước tính việc Trung Quốc mở cửa trở lại cần thêm thời gian để thực hiện và phản ánh vào nền kinh tế, dự báo trong kịch bản cơ sở là trong quý III.
Khách du lịch Trung Quốc chiếm 32% lưu lượng khách hàng không quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, trong khi Trung Quốc là điểm đến du lịch lớn nhất của người dân Việt Nam. SSI kỳ vọng lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi dần dần từ quý II năm nay. Lượng khách quốc tế vào năm 2024 có thể vượt mức của năm 2019, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam.
Việc Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn sau ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chắc chắn tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam, ví dụ như đối với ngành xuất khẩu, du lịch.
Tuy nhiên, theo SSI, tác động rõ rệt có thể chỉ đến từ nửa cuối năm 2023, và cũng cần phải nhắc lại rằng ba năm COVID đã phần nào thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như du lịch của du khách Trung Quốc, và các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực hơn để thích ứng với xu hướng du lịch đó.
Với ước tính tích cực (dựa trên số liệu về chi tiêu của du khách Trung Quốc giai đoạn trước COVID), chúng tôi kỳ vọng khách Trung Quốc sẽ có tiềm năng đóng góp 2,8 tỷ USD doanh thu khách sạn và dịch vụ cho Việt Nam trong năm 2023.
Về thương mại, việc các hoạt động thương mại tại các cửa khẩu đường bộ có thể diễn ra mạnh mẽ hơn là nhân tố quan trọng giúp hỗ trợ xuất khẩu, chưa kể đến việc phục hồi của cầu nội địa của Trung Quốc.
Cụ thể, SSI cho rằng xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp ước tính tăng sau thời gian gặp khó khăn do chính sách Zero-COVID kéo dài trong khi đó tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm chủ chốt khác như hàng điện tử, giày dép, gỗ và bông vẫn được duy trì.