Trả lời:
Sỏi túi mật phổ biến ở người lớn tuổi. Sỏi túi mật hình thành khi các thành phần trong dịch mật như cholesterol, bilirubin hoặc muối mật bị mất cân bằng, tạo ra những tinh thể rắn. Theo thời gian sỏi lớn dần, gây viêm túi mật, viêm đường mật hoặc tắc mật.
Một số trường hợp viêm ống mật kéo dài có thể dẫn đến những biến đổi bất thường trong tế bào, góp phần phát triển ung thư đường mật. Nguy cơ cao hơn nếu người bệnh bị xơ gan, viêm gan virus B hoặc C, viêm ruột, béo phì, tiểu đường, người lớn tuổi, thường xuyên uống rượu bia.
Dấu hiệu ung thư đường mật gồm vàng da, ngứa, phân màu nhạt hoặc nhớt, nước tiểu sẫm màu, đau bụng, chán ăn, sụt cân, sốt, buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên ở giai đoạn sớm, bệnh thường không bộc lộ triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh tiêu hóa thông thường. Tầm soát hỗ trợ bác sĩ đánh giá nguy cơ, phát hiện sớm ung thư đường mật.
Siêu âm ổ bụng giúp kiểm tra tình trạng túi mật, phát hiện sỏi, viêm túi mật hoặc các bất thường trong hệ thống đường mật. Tuy nhiên siêu âm có thể không đủ nhạy để phát hiện những tổn thương nhỏ hoặc sâu bên trong đường mật. Vì vậy, trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn dưới đây.
Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) có giá trị cao trong chẩn đoán u đường mật, giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ hình ảnh đường mật.
Chụp cắt lớp vi tính đánh giá được vị trí u, mức độ xâm lấn của u vào gan và di căn, xác định mức độ hẹp hay giãn đường mật, sỏi mật.

CT Somatom Force VB30 giúp đánh giá chuyên sâu các khối u tụy. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nội soi mật tụy ngược dòng, chụp đường mật xuyên gan qua da và siêu âm qua nội soi (EUS) được chỉ định trong một số trường hợp cần xác định bản chất mô học của u.
Xét nghiệm nồng độ bilirubin phosphatase kiềm, men gan, đông máu nhằm đánh giá tình trạng tắc nghẽn đường mật và chức năng của gan. Các xét nghiệm đo nồng độ chất chỉ thị ung thư trong máu như CEA, CA 19.9.
Sinh thiết có nhiều phương pháp như chọc kim nhỏ qua da, qua nội soi mật tụy ngược dòng, qua siêu âm nội soi... hỗ trợ bác sĩ xác định bản chất mô học tế bào của khối u.
Nếu mẹ bạn chưa có triệu chứng như đau hạ sườn phải kéo dài, sốt, vàng da hoặc sút cân không rõ nguyên nhân, khả năng ung thư đường mật không cao. Tuy nhiên nếu sỏi gây đau thường xuyên, bạn nên đưa mẹ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Gan mật tụy - Tiêu hóa để kiểm tra. Nếu sỏi túi mật có nguy cơ gây ra viêm túi mật hoặc tiến triển thành ung thư, bác sĩ có thể tư vấn phẫu thuật nội soi cắt túi mật để phòng ngừa biến chứng về sau.
Khoa Ung bướu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |