Cuối tuần gọi con gái dậy sớm, chị Lê Thu Huyền (38 tuổi, trú tại phố Nguyên Khiết, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mượn xe máy đèo con qua nhà em gái ở quận Long Biên gửi để đi làm.
Gửi con sang nhà em, chị Huyền vội trở về cho kịp đơn hàng ship đi đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân. Người phụ nữ 38 tuổi đang làm shipper cho chị họ sống cạnh nhà, sau khi nghỉ bưng bê tại quán karaoke, đây là nguồn thu nhập chính của chị trong những ngày dịch bùng phát.
Không có xe máy, chị mượn xe của người thân đổ xăng để đi ship hàng. Hôm nay đơn hàng xa chị nhận được 50.000 đồng tiền công, những đơn gần chị chỉ kiếm được 20.000 đến 30.000 đồng. Dù ít hay nhiều chị vẫn rất vui vì kiếm được tiền mua sữa cho con.
Chị Huyền được khai sinh vào năm 2021 khi đã 37 tuổi.
Hành trình đi khai sinh cho chính mình
Chị Huyền cho biết mình sinh ngày 26/04/1984, thời điểm này bố chị là ông Lê Huy Sơn (sinh năm 1961) đang chấp hành án phạt tù. Mẹ chị một mình sinh con sau đó để chị cho ông bà nội nuôi rồi bỏ đi.
"Mẹ tôi gọi điện nói với bố là tôi sinh tại Hàng Bún, sau đấy không còn liên lạc gì với gia đình nữa", người phụ nữ nhớ lại.
Bố đi tù chị được ông bà nội nuôi lớn. Mấy năm sau hết hạn thi hành án ông Sơn trở về nhà lấy thêm vợ hai, sinh được một trai, một gái. Trong những năm tháng tuổi thơ chị không có tình yêu thương của bố, vì ông Sơn liên tục nhận án phạt. Khi bạn bè cùng trang lứa nhảy dây, bắn bi, khoe quần áo mới, Huyền chỉ quanh quẩn ở nhà chăm em.
Mẹ bỏ đi, bố chịu án phạt trong tù, chị không được khai sinh, cũng chẳng có giấy tờ gì chứng minh sự tồn tại của mình trên đời. Giấy tờ chẳng có nhà lại nghèo, chị Huyền không được đăng ký đi học. "Nhà tôi có một người quen làm giáo viên, tôi được đi ngồi nhờ đến năm lớp 4 thì nghỉ, biết được cái mặt chữ".
Đằng đẵng 16 năm trôi qua, chị Huyền sống như người vô hình, không được pháp luật, chính quyền công nhận. Năm 16 tuổi chị gặp rồi yêu một người đàn ông hơn bốn tuổi ở phường Văn Miếu. Ít lâu sau hai người làm đám cưới, nhưng không đăng ký kết hôn, vì bản thân chị không có giấy tờ tùy thân.
Con gái chị Huyền đến tuổi đi học nhưng vẫn ở nhà do mẹ không có điều kiện cho đến trường.
Năm 18 tuổi chị mang bầu đứa con đầu tiên, sinh ra một bé trai. Không có hôn thú, người mẹ trẻ chẳng thể khai sinh cho con. Chị ngậm ngùi để chồng nhận con ruột làm con nuôi, khai sinh cho bé mà không có tên mẹ. Ít năm sau bé thứ hai ra đời, việc khai sinh cho con cũng như bé đầu, đều phải làm thủ tục nhận con nuôi để nhập khẩu, khai sinh. Tên mẹ trong khai sinh của con vẫn để trống, dù chị vẫn sống, chăm sóc con hàng ngày.
Nhận thấy sự bất cập trong việc bản thân không có giấy tờ tùy thân, chị Huyền cùng chồng về tìm bố. Hai người hỏi thăm về lai lịch, nơi sinh của mình, quyết khai sinh cho chị, có một thứ giấy tờ chứng minh sự tồn tại của mình trên đời. Tuy nhiên sau bao năm vất vả do không tìm được mẹ đẻ, không đủ giấy tờ theo quy định, người phụ nữ 38 tuổi vẫn không thể khai sinh cho mình.
"Mẹ tôi bỏ tôi ở trước cửa nhà, bảo sinh tại Hàng Bún, nhưng khi ra nhờ người ta tra thì không có tên tôi được sinh ra tại đấy. Bản thân mẹ cũng bỏ đi biệt tích nên chẳng ai làm chứng, hay chứng minh cho tôi để khai sinh", chị Huyền nói và cho biết chị đã đi hết tất cả các nơi có thể tìm mẹ. Chị hỏi bố về người quen, quê của mẹ để mong có hi vọng tìm được mẹ về khai sinh cho mình nhưng vô ích.
Hiện chị Huyền sống cùng bố, em trai và con gái trong căn nhà 30 m2 tại phố Nguyên Khiết.
Năm 2016 chị cùng bố đi làm xét nghiệm AND mong muốn dùng nó để khai sinh, nhưng vẫn không thể. Phường yêu cầu phải có người mẹ để chứng minh sự ra đời của chị.
37 năm chị Huyền đi hết nơi này đến nơi khác mong làm được giấy khai sinh. Bản thân không thể xin được việc làm vì chẳng có giấy tờ tùy thân, không nơi nào dám nhận chị. Điều may mắn duy nhất đối với người phụ nữ là có người chồng hết mực thương yêu.
Lấy chồng năm 16 tuổi, chị về mở quán bán nước gần nhà, sáng phụ mẹ chồng bán bún riêu, chiều ra hàng bán nước.
Hai đứa con dần lớn, chị mang thai bé thứ 3 là một cô con gái. Khi bé gái ra đời, biết được hoàn cảnh của chị, phường Văn Miếu tạo điều kiện ghi tên mẹ vào giấy khai sinh của con gái. Lần đầu chị khóc vì hạnh phúc, được làm mẹ của con mình trên giấy tờ. Chị lại càng quyết tâm phải có giấy khai sinh cho mình.
Cách đây hai năm chồng chị Huyền mất do bạo bệnh, gia cảnh khó khăn, chị mang con gái về sống cùng bố, trong khi hai con trai lớn sống cùng ông bà nội tại phường Văn Miếu.
"Tôi mang theo con gái về sống cùng bố để tiện chăm sóc ông, cũng bớt gánh nặng cho ông bà bên này, hai con trai lớn có thể đi làm thì để sống cùng ông bà nội", người mẹ 3 con tâm sự
Về sống cùng bố, chị Huyền làm đủ nghề để lo bữa ăn từng ngày. Tuy vất vả mưu sinh nhưng chị chưa từng từ bỏ việc khai sinh cho bản thân. Sau nhiều năm vất vả, chạy hết phường này đến phường kia, chị được các cán bộ tư pháp phường Phúc Tân chỉ dẫn làm hồ sơ, tạo điều kiện để được khai sinh.
Sáng 20/10/2021, chị Lê Thu Huyền đến trụ sở UBND phường Phúc Tân nhận Giấy khai sinh lần đầu sau 37 năm chưa từng chính danh.
Chị Huyền nhận được giấy khai sinh vào ngày 20/10/2021.
Ước mơ có một gánh bún để kiếm tiền nuôi con
37 năm sống cơ cực, không được đi học, không có việc làm tử tế, bươn chải đủ nghề từ quét rác, rửa bát thuê… để có tiền nuôi con. Đêm trước ngày đi nhận giấy khai sinh chị Huyền không thể chợp mắt. "Nằm suy nghĩ lại cuộc sống 37 năm qua, nghĩ đến mình sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, có được một công việc ổn định hơn tôi háo hức không thể ngủ được".
Thời điểm cầm trên tay tấm giấy khai sinh ghi họ tên mình, có được thứ giấy tờ chứng minh sự tồn tại của bản thân, chị ôm bố bật khóc. 37 năm gần nửa cuộc đời mới được khai sinh, chồng đã không còn để hưởng niềm vui với mình. Người mẹ tự hứa với bản thân sẽ dùng giấy tờ này làm căn cước, đi xin một công việc tử tế để có tiền cho con đến trường.
Sau khi được khai sinh chị Huyền được làm căn cước công dân.
Niềm vui nhận được giấy khai sinh chưa lâu thì Hà Nội bùng nổ Covid-19, hàng quán lần lượt đóng cửa. Chuyển về nhà bố để chăm lo cho ông nhưng chị Huyền cho biết bản thân chẳng giúp gì được cho bố.
"Bố tôi vẫn đi làm bảo vệ, tháng kiếm 4, 5 triệu, trang trải tiền ăn, điện nước trong nhà", chị Huyền cho hay. Trước đây khi chuyển về ở cùng bố chị làm bưng bê ở quán karaoke của bác, kiếm được 4 triệu tháng đủ mẹ con sinh hoạt. Nhưng dịch bệnh quá đóng cửa chị mất đi nguồn thu.
Thấy hoàn cảnh của chị Huyền, người chị họ gần nhà tao điều kiện cho chị đi ship hàng hộ. Tuy nhiên hàng không nhiều, hôm nào đông khách thì được 200.000 đồng, trừ tiền xăng chị còn lại 150.000 đồng. Có hôm chỉ có 1 đơn, hôm chẳng có đơn nào chị đành úp mì tôm ăn qua bữa.
"Tôi thì thế nào cũng được, chỉ thương con gái, nó phải nghỉ học cả năm nay rồi. May có dì nó bữa thì đón sang chăm, bữa lại nấu cơm mang sang, không thì….", người phụ nữ 38 tuổi bỏ dở câu nói mắt nhìn ra cửa sổ.
Chị Huyền hiện tại đi ship đồ cho chị họ để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Con gái đến tuổi đi học phần vì dịch, phần vì không có tiền chị đành để con nghỉ ở nhà. Ngày còn ở với nhà chồng chị Huyền hay phụ mẹ chồng bán bún riêu, người phụ nữ 38 tuổi luôn mong mình có đủ điều kiện để mở một gánh bún, bán hàng nuôi con qua ngày.
"Sống nhờ bố mãi cũng không được, ông đã lo tiền điện nước trong nhà, tôi muốn kiếm được cái nghề, làm ra tiền để nuôi con ăn học", người phụ nữ chia sẻ có một người bạn biết được hoàn cảnh của chị nên cho ngồi nhờ trước cửa hàng để bán bún. Nhưng bản thân chị giờ ăn còn không lo nổi, lấy đâu ra vốn mà buôn bán.
Chị cho biết đi hỏi vay vài nơi nhưng dịch bệnh phức tạp, ai cũng khó khăn nên chẳng vay mượn được nghìn nào. Em gái thì lấy chồng còn lo cho hai con nhỏ nên chị cũng chẳng dám hỏi. Người mẹ ba con chỉ mong dịch bệnh sớm ổn định, có giấy tờ chứng minh nhân thân chị sẽ kiếm được việc làm, tích chút vốn để mở hàng bún, có thời gian ở nhà chăm con, cho con đi học.
Ông Quách Văn Nam - cán bộ tư pháp phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết chị Lê Thị Thu Huyền đã được cấp giấy khai sinh vào tháng 10/2021.
Theo ông Nam đây là kết quả sau quá trình rà soát với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. Chị Huyền có hoàn cảnh rất đặc biệt, có thể nói là hi hữu, bản thân chị Huyền sinh ra trong gia đình cũng đặc biệt, từ năm 2011 đến năm 2020 chị Huyền lấy chồng sống ở phường Văn Miếu. Đến khi chồng mất, chị Huyền mang con nhỏ về địa phương sinh sống.
"Chị ấy có 3 người con, 2 cháu lớn đã trưởng thành, còn giờ chị ấy đang nuôi 1 cháu nhỏ", cán bộ tư pháp phường Phúc Tân nói.