1. “Con thử làm đi! Mẹ tin rằng con có thể làm được”
Có không ít cha mẹ gặp hạn chế trong việc kết thân với con cái, họ cũng thường xuyên đặt ra những câu hỏi liên quan tới khả năng của con mình.
Khi đứa trẻ 1 tuổi muốn tự xúc ăn, người mẹ nói: “Con còn nhỏ quá, để mẹ đút cho”.
Khi đứa trẻ 4 tuổi thấy mẹ quét nhà, chúng chạy tới và nói muốn làm giúp mẹ, người mẹ nói: “Mẹ đang bận, con đừng làm phiền mẹ. Con mà quét lung tung chỉ làm khổ mẹ dọn dẹp lại”.
Khi đứa trẻ đi học tiểu học, cha mẹ muốn trẻ làm việc nhà nhưng chúng không còn hứng thú nữa. Cha mẹ trách con cái lười biếng, không biết đỡ đần nhưng họ không nghĩ chính bản thân mình là thủ phạm khiến con cái trở nên như vậy.
Không phải trẻ không muốn tự lập mà là cha mẹ tước đi quyền được tự lập của trẻ.
Muốn con cái tự lập, cha mẹ phải cho chúng cơ hội thực hành nhiều. Ngay từ bây giờ, cha mẹ có thể nói với con mình nhiều hơn: “Con thử làm đi! Mẹ tin rằng con có thể làm được”. Khi được cha mẹ tin tưởng, trẻ sẽ có niềm tin vào bản thân, dù làm chưa tốt cũng không sao cả.
2. “Con tự quyết định/lựa chọn đi”
Tính quyết đoán của trẻ cũng là biểu hiện của tính độc lập, tự tin, đáng tiếc là nhiều bậc cha mẹ không nhận ra điều này, họ luôn muốn làm thay con, tự mình lựa chọn, quyết định mọi việc cho con.
Người mẹ dạy sớm chuẩn bị bữa sáng nhưng khi con dậy lại nói “con không muốn ăn cháo, chỉ muốn ăn súp thôi”. Câu nói này có lẽ sẽ khiến người mẹ tức điên lên: “Con không biết nghĩ cho mẹ à. Mẹ dậy sớm nấu cháo cho con mà giờ con muốn ăn súp. Con không ăn thì sáng nay nhịn đói”.
Nhưng nếu cha mẹ để trẻ lựa chọn, có thể sự việc sẽ xảy ra theo chiều hướng khác. Cha mẹ có thể đánh thức trẻ dậy, sau đó nói rằng: “Bữa sáng có cháo và súp, con muốn ăn cái gì?”
Bằng cách này, trẻ sẵn sàng hợp tác hơn, vì trẻ cảm nhận được sự tôn trọng từ người lớn. Sau khi suy nghĩ, trẻ sẽ đưa ra câu trả lời: “Hôm nay con muốn ăn súp”.
Nếu cha mẹ không cho con quyết định và đưa ra lựa chọn, trẻ sẽ trở nên hay do dự và nhát gan. Trong cuộc sống sau này, mỗi khi có sự lựa chọn, trong tiềm thức trẻ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ vì không thể tự đưa ra quyết định.
Nếu cha mẹ giao quyền lựa chọn và quyết định cho con cái, để trẻ suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình, dần dần chúng sẽ biết suy xét cẩn thận và tự tin hơn.
3. “Mẹ thấy con đã rất cố gắng”
Thiên tài chỉ có 1% bẩm sinh, 99% còn lại là do cố gắng. Mặc dù tài năng rất quan trọng trong một số lĩnh vực, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ. Một thiên tài nếu không chăm chỉ, cố gắng cũng sẽ dần trở nên kém cỏi. Miễn một người không ngừng nhận thức bản thân cần nỗ lực mỗi ngày, IQ của họ sẽ dần cải thiện theo thời gian.
Có rất nhiều trường hợp trong cuộc sống cho thấy nỗ lực quan trọng hơn thiên phú. Dù xuất phát điểm của mỗi người có khác nhau nhưng nếu biết cố gắng sẽ cùng nhau tới đích.
Nếu thường xuyên nói “mẹ thấy con đã rất cố gắng”, trẻ sẽ cảm thấy rất vui và có thêm nhiều động lực. Dù trong một số trường hợp có thể kết quả không như mong đợi nhưng trẻ cảm nhận được sự ủng hộ của cha mẹ, chúng sẽ biết rằng sự cố gắng của mình là không vô nghĩa.