Kinh doanh

Sau sáp nhập, hình thành "siêu" thành phố quy mô 2,5 triệu tỷ, góp 26% ngân sách

Tóm tắt:
  • Sau sáp nhập, TPHCM sẽ hình thành 'siêu thành phố' chiếm 24% GDP và 26% ngân sách quốc gia.
  • Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.
  • TPHCM hợp nhất với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương, trở thành trung tâm chính trị - hành chính mới.
  • Tổng GRDP của ba địa phương ước đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm 24,22% nền kinh tế cả nước năm 2023.
  • Tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 của ba địa phương đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm 20,34% tổng vốn FDI cả nước.

Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).

Trong đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM, lấy tên là TPHCM. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TPHCM hiện nay. Cả ba địa phương này đều nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của nước ta.

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, TPHCM sẽ trở thành “siêu thành phố” với các chỉ số kinh tế đứng đầu cả nước.

Theo số liệu sơ bộ của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của TPHCM đạt hơn 1,613 triệu tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần GRDP của tỉnh Bình Dương (477.119 tỷ đồng) và gấp 3,9 lần GRDP của Bà Rịa - Vũng Tàu (410.221 tỷ đồng).

Tổng GRDP của 3 địa phương này ước đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 24,22% trong tổng quy mô kinh tế của cả nước năm 2023.

Về thu ngân sách nội địa năm 2023, TPHCM sơ bộ đạt khoảng 302.419 tỷ đồng, Bình Dương đạt 53.246 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu là 39.445 tỷ đồng.

So với tổng thu ngân sách nội địa cả nước năm 2023 theo báo cáo của Bộ Tài chính công bố, thì 3 địa phương này chiếm khoảng gần 26,86%. 

Về GRDP bình quân đầu người, theo thống kê sơ bộ năm 2023, cả 3 địa phương này đều có GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của cả nước (102,9 triệu đồng/người/năm). 

Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của TPHCM đạt 170,6 triệu đồng/người/năm, Bình Dương đạt 169 triệu đồng/người/năm. 

Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 345,4 triệu đồng/người/năm, gấp khoảng 3,36 lần mức bình quân cả nước, gấp 2 lần TPHCM và gấp 2,04 lần Bình Dương.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số liệu sơ bộ năm 2023, TPHCM có 1.234 dự án FDI được cấp phép với vốn đăng ký là 5,985 tỷ USD; Bình Dương có 140 dự án, vốn FDI đăng ký là 646 triệu USD và Bà Rịa - Vũng Tàu có 21 dự án với vốn đăng ký gần 1,376 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký đầu tư của 3 địa phương này trong năm 2023 đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm 20,34% trong tổng vốn FDI đăng ký đầu tư của cả nước.

(Bài viết sử dụng dữ liệu thống kê sơ bộ tại Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023”; Số liệu kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2010-2023 của Cục Thống kê).

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Mới đây, Thông tin Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sáp nhập với Tp.HCM theo Nghị Quyết 60- NQ/TW gây chú ý cho thị trường bất động sản khu vực. Khi sáp nhập vào Tp.HCM, người mua bất động sản nơi đây sẽ giải toả được tâm lý “nhà ở tỉnh”, đồng thời các khu vực này được các chuyên gia dự báo có đợt “định giá lại” về mặt bằng giá bất động sản.

Tin xem nhiều