Một học sinh học trực tuyến ở nhà cùng các bạn học tập trung trên lớp - Ảnh: DUYÊN PHAN
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ phải sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ cho việc học online kéo dài, chính điều này dẫn đến nhiều trẻ gặp phải các vấn đề về mắt, đặc biệt là cận thị.
Mắt cận vì tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám mắt sau dịch COVID-19, trong đó có cả những bệnh nhi nhỏ tuổi do tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử.
Bé H.L. (7 tuổi, TP.HCM) là một trong số trẻ đến khám gần đây. Mẹ bé cho biết bé thường xuyên than nhức đầu, xem tivi hay nheo mắt. Trước đó, gia đình đã đưa bé L. đi khám và chụp cộng hưởng từ MRI nhưng không tìm ra bệnh.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy do dịch COVID-19 bé phải nghỉ học dài ngày, thường xuyên học online cộng với việc hay sử dụng điện thoại để chơi game.
Khi thăm khám 2 mắt của bé, các bác sĩ không tìm thấy tổn thương nhưng đo khúc xạ phát hiện cận 2 độ. Bé L. được các bác sĩ điều trị bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử, trừ việc học, đo độ khúc xạ 3 tháng/lần.
Chị T.T.T. (36 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết dạo gần đây thấy con trai mỗi khi ngồi viết bài mắt thường gí sát vào vở, khi nhìn vào màn hình máy tính hay nheo mắt.
"Thời gian dịch ở nhà vì không biết làm gì cho con đỡ chán nên vợ chồng tôi cho bé sử dụng điện thoại, máy vi tính để bé học online và để giải trí. Giờ thì tôi thấy có vẻ bé nghiện điện thoại và không thích hoạt động như trước kia nữa", chị T. kể.
Chị Nguyễn Thu Huệ (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa đưa con gái học lớp 2 kiểm tra mắt tại một phòng khám. "Khi con vào lớp 1 thì mắt con vẫn bình thường, nhưng bắt đầu lên lớp 2, sau 3 tháng học trực tuyến mắt con bắt đầu có triệu chứng mỏi và mờ. Tôi đưa bé đi kiểm tra thì mỗi bên mắt bị cận 1 độ.
Mỗi ngày, con học online gần 4 giờ đồng hồ và chỉ được nghỉ giải lao 15 phút mỗi buổi. Mới đây, mặc dù vẫn đeo kính nhưng bé không nhìn rõ, đi kiểm tra thì mắt bé đã tăng độ cận. Nếu con vẫn phải học bằng máy tính như thế này, không biết mắt bé còn bị ảnh hưởng như thế nào", chị Huệ cho biết.
Dễ mắc hội chứng thị giác màn hình máy tính
Bác sĩ Nguyễn An Pháp - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3 - cho biết trẻ em nhìn chằm chằm vào máy tính bảng, hoặc sử dụng máy tính trong thời gian dài cũng là những đối tượng có nguy cơ mắc phải "hội chứng thị giác màn hình". Đây là bệnh lý về mắt nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Pháp, nhiều người chỉ bị thị giác máy tính tạm thời và triệu chứng sẽ giảm sau khi ngừng sử dụng máy tính. Tuy nhiên, một số người có thể tiếp tục bị thị giác máy tính như nhìn xa bị mờ, ngay cả sau khi ngừng làm việc với máy tính.
Nếu không được giải quyết các nguyên nhân của thị giác máy tính, các triệu chứng sẽ tiếp tục tái diễn và có thể tồi tệ hơn nếu tiếp tục sử dụng máy tính trong tương lai.
BSCKII Nguyễn Thành Luân - khoa mắt Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết số lượt thăm khám các bệnh lý liên quan về mắt tại bệnh viện trong thời gian qua tăng cao, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường. Bệnh lý thường gặp là tật khúc xạ và hội chứng thị giác máy tính.
Trong số này, bệnh viện cũng tiếp nhiều bệnh nhân nặng. Điển hình trường hợp nam học sinh 12 tuổi đến khám vì mắt nhìn mờ, đau nhức kèm nhức đầu liên tục, nhất là khi tiếp xúc máy tính, điện thoại. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận nam sinh này cận thị 2 độ và có hiện tượng rối loạn điều tiết.
Qua chia sẻ của bệnh nhân được biết thời gian vừa qua, em học online chính khóa, Anh văn ngoại khóa và hay chơi game trên điện thoại. Tổng thời gian em dùng máy tính, điện thoại là trên 10 tiếng đồng hồ/ngày.
Theo bác sĩ Luân, việc học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch là một việc cần thiết để học sinh, sinh viên không gián đoạn học tập, tuy nhiên cần sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý.
Khi trẻ phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc dùng điện thoại trong thời gian dài và liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ như rối loạn điều tiết (nhức mắt, căng tức mắt, mỏi mắt có thể kèm nhức đầu), khô mắt (mắt cộm xốn, chảy nước mắt, sợ ánh sáng), triệu chứng thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi).
Từ đó kéo theo tỉ lệ cận thị và tỉ lệ tiến triển cận thị gia tăng. Nếu điện thoại hoặc máy tính bảng có kích thước quá nhỏ, buộc trẻ phải nhìn gần hơn để thấy rõ thì sẽ dẫn đến các triệu chứng trên càng nặng hơn.
Quy tắc 20 - 20 - 20
Để bảo vệ, chăm sóc mắt của con tốt hơn trong thời buổi công nghệ số, bác sĩ Luân hướng dẫn học sinh, sinh viên cần ngồi học đúng tư thế (ghế và bàn học có thể chỉnh độ cao), đầu và lưng thẳng, chân và đùi duỗi nhẹ tạo góc 90 - 130 độ, thân trên và đùi tạo góc 100-110 độ giúp giảm áp lực lên cột sống.
Phụ huynh không cho con dùng điện thoại hoặc máy tính bảng để học vì quá nhỏ, trẻ phải nhìn rất gần để thấy rõ.
Cần ưu tiên máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay, có thể kết nối tivi thì càng tốt. Nên chọn các thiết bị có độ phân giải cao, màn hình có chế độ bảo vệ mắt hoặc sử dụng phần mềm tương tự Eye saver.
Một lưu ý rất quan trọng là phải đặt màn hình vi tính đúng vị trí. Cụ thể, cạnh trên của màn hình ngang hoặc thấp hơn tầm mắt khoảng 15 độ. Khoảng cách từ mắt - màn hình: 50 - 60cm (thường là 1,5 lần chiều dài đường chéo màn hình). Nếu là tivi thì gấp 4 lần chiều dài đường chéo của tivi.
Khi đặt màn hình máy tính, tivi đúng thì sẽ giúp giảm căng cơ mắt và thu hẹp khe mi mắt, giúp giảm diện tích tiếp xúc của mắt với môi trường bên ngoài, cũng như giảm khô mắt.
Về độ sáng của màn hình và môi trường xung quanh cần chú ý không gian đủ ánh sáng, không quá sáng nhưng cũng không quá tối. Tránh đặt màn hình cạnh cửa sổ hoặc nơi có nguồn sáng mạnh.
Độ sáng màn hình vừa phải với ánh sáng trong phòng. Đặt nguồn sáng phía sau trẻ, không đặt sau màn hình để tránh hiệu ứng chói sáng. Chỉnh cỡ chữ phù hợp và giữ vệ sinh màn hình sạch sẽ.
Trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử, cần chớp mắt thường xuyên. Đồng thời luôn nhớ quy tắc 20 - 20 - 20 (20 phút làm việc với máy tính - nhìn ra xa 20 feet là cỡ 6m trong 20 giây). Tránh sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ vì ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử có thể gây rối loạn giấc ngủ của trẻ.
Bác sĩ Luân khuyến khích lứa tuổi học sinh, sinh viên cần tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời, bổ sung dinh dưỡng, vitamin A, C, E, lutein, Omega 3 (cà rốt, đu đủ, cam quýt, rau dền, hải sản…). Khi có ngay các triệu chứng nêu trên thì cần đến cơ sở y tế khám kịp thời.
Trẻ chủ yếu bị cận thị
Tính đến ngày 4-4, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và đào tạo, 62 địa phương trên cả nước đã dạy học trực tiếp ở hầu hết các cơ sở giáo dục, chỉ còn duy nhất Hà Nội chưa cho trẻ mầm non và tiểu học đến trường học trực tiếp. Trong đó, số trẻ mầm non khoảng 600.000 trẻ, trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 khoảng 140.000 trẻ; học sinh lớp 1-6 khoảng 950.000 học sinh.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 trẻ đến khám và điều trị các vấn đề về mắt. Ông Vũ Văn Luân - trưởng phòng truyền thông tư vấn bệnh viện - chia sẻ gần đây nhiều phụ huynh đưa con em đến bệnh viện thăm khám, đặc biệt là cuối tuần.
Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân khám và điều trị các bệnh về mắt. Riêng trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 40%, chủ yếu là độ tuổi trẻ đi học.
Trẻ đến khám thường có các triệu chứng như mờ mắt, khô mắt, nháy mắt nhiều, mỏi mắt… trong quá trình học online, chủ yếu trẻ bị cận thị. Đối với trường hợp trẻ đã bị cận thì phụ huynh đưa trẻ đến kiểm tra xem có tăng độ không.
Theo ông Luân, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử, gồm máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi,... đều gây ảnh hưởng đến mắt nếu thời gian tiếp xúc kéo dài.
"Đối với trẻ phải thường xuyên học online, thông thường có hai cách để hạn chế ánh sáng xanh. Phụ huynh có thể tắt ánh sáng xanh của máy tính hoặc dùng loại kính lọc ánh sáng xanh.
Thêm vào đó, trẻ học trên máy tính khoảng 30 phút nên dừng lại khoảng 30 giây, có thể nhắm mắt lại một lúc, có thể nhìn ra xa. Việc sử dụng máy tính, điện thoại quá lâu trước mắt sẽ không gây ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên nếu kéo dài sẽ khiến mắt bị khô, mỏi, giảm thị lực", ông Luân khuyến cáo.