Hôm 1/4, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã có một bức tâm thư gửi tới các cổ đông, trải lòng về một năm 2021 đã qua.
Ông chia sẻ năm 2021 của MWG không chỉ có COVID)-19 mà đi kèm với dịch bệnh là hàng loạt khủng hoảng truyền thông liên quan tới Bách Hóa Xanh hay lùm xùm vấn đề mặt bằng với đối tác. Chưa dừng lại ở đó, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc cũng đã xin từ nhiệm và rút khỏi công ty.
Năm 2021 là một thách thức không thể nào quên đối với Thế Giới Di Động, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, vị Chủ tịch cho rằng thời khắc đen tối nhất có lẽ đã qua và tương lai đang ở phía trước.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm thay đổi mọi dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế của năm 2021 và MWG cũng đã phải giải nhiều bài toán khó xuất hiện trong năm vừa rồi.
Cụ thể, gần 2.000 cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng để phòng chống dịch, khiến doanh thu và dòng tiền ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dù Bách Hóa Xanh và An Khang trở thành chuỗi phân phối thực phẩm, thuốc men và hàng hóa thiết yếu cho các vùng dịch nhưng hoạt động sản xuất - thu mua - cung ứng hàng hóa bị đứt gãy và giao thông tắc nghẽn giữa các địa phương.
Đại dịch bùng phát và lan rộng đã khiến tải phục vụ tăng đột biến trong khi nhân lực không đáp ứng đủ do phải làm việc quá sức nhiều ngày liền cũng như số lượng nhân viên F0 liên tục tăng lên. Trong tháng cao điểm là tháng 7/2021, Bách Hóa Xanh đã ghi nhận 27 triệu lượt khách hàng, bán ra 31.000 tấn hàng tươi sống nhưng đội ngũ nhân viên tiền tuyến chỉ còn dưới 50%.
Ông Nguyễn Đức Tài tự hào vì nỗ lực của đội ngũ đã mang về kết quả kinh doanh kỷ lục trong quý IV, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2021. Nhờ dự đoán được tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng toàn cầu, MWG đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng nhập hàng cho các trung tâm phân phối trong thời điểm các cửa hàng bị đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Chính nhờ sự chuẩn bị tốt đã giúp MWG phục hồi nhanh chóng sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng.
Trong năm 2022, ông Tài cho biết MWG đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14% và 30% so với kết quả 2021. Kế hoạch kinh doanh này được đưa ra dựa trên giả định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng không dẫn đến các tác động trầm trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh so với hai năm vừa qua.
Năm nay, MWG kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng doanh số online 50% và ước tính tỷ trọng đóng góp online trong tổng doanh thu tập đoàn là 15%. Chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75%-80% vào doanh thu của MWG thông qua mở mới trung tâm điện máy, ĐMX Supermini, TopZone và phát triển mạng lưới cộng tác viên.
Bên cạnh đó, MWG cũng tiến hành nâng size cửa hàng/chuyển đổi từ TGDĐ sang ĐMX đối với những cửa hàng đang có doanh thu cao và ở khu vực nhiều tiềm năng. Ngoài ra, công ty sẽ kinh doanh thêm sản phẩm hoặc dịch vụ mới để tăng doanh số cho cửa hàng và đẩy mạnh doanh thu sớm đưa Bluetronics đạt điểm hoà vốn và lấn sân thị trường Indonesia.
Chuỗi Bách Hoá sẽ tạm ngưng mở mới để củng cố nền tảng, chuẩn bị mở rộng từ 2023. Năm nay, chuỗi Bách Hoá Xanh được kỳ vọng đóng góp từ 20-25% vào doanh số cho tập đoàn.
Hồi đầu tháng 2, MWG cho biết chuỗi điện thoại và điện máy TGDĐ đã đóng góp 21.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, khoảng 4.000 tỷ đồng đến từ kênh bán hàng trực tuyến. Chuỗi BHX mang về 3.900 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chiến lược giá cạnh tranh và chỉ bán thực phẩm tươi sống mới sản xuất trong ngày.
Trong hai tháng đầu năm 2021, Thế Giới Di Động thử nghiệm 12 cửa hàng độc lập bán sản phẩm cho mẹ và bé, đồ thể thao và thời trang cùng mô hình shop-in-shop kinh doanh trang sức và xe đạp. Các cửa hàng này ghi nhận tổng doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, chuỗi bán lẻ cho mẹ và bé cho kết quả khả quan nhất nên công ty sẽ mở rộng quy mô lên 30-50 cửa hàng.
Với chuỗi An Khang, trong hai tháng, doanh thu chuỗi nhà thuốc tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên cho biết tập đoàn sẽ đầu tư cho chuỗi nhà thuốc này cả về tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để xử lý những vấn đề trọng yếu ở những cửa hàng hiện tại nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng và xây dựng mô hình kinh doanh mới, nâng cấp hơn để tăng tốc nhân rộng.
Sau hai tháng đầu năm công ty đã hoàn thành 18% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ban lãnh đạo cho rằng, chìa khoá quan trọng để đạt mức này là mở rộng hai chuỗi có nền tảng vững chắc, tăng tốc ở những chuỗi có tiềm năng và tiếp tục thử nghiệm các mảng kinh doanh mới.
Tính đến cuối tháng 2, MWG có 5.420 cửa hàng. Chuỗi bách hoá chiếm nhiều nhất với 2.122 cửa hàng, tiếp đến là chuỗi điện máy gần 2.040 cửa hàng và chuỗi điện thoại gần 1.000 cửa hàng.