"Có 15 quán cà phê xung quanh bạn", trợ lý ảo của iFlytek trả lời. "Bạn muốn đến địa điểm nào trong số này?".
iFlytek là một trong những công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc đang tập trung mạnh cho hệ thống trợ lý ảo AI trên ôtô. Họ đặt mục tiêu tăng trưởng 30% so với năm ngoái, chiếm một nửa thị phần mảng này tại nước này trong năm nay, đồng thời tăng doanh thu lên 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) năm 2025.
Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, trong khi trợ lý ảo AI cho xe hơi còn khá mới mẻ. Lĩnh vực này đang là cuộc đua giữa iFlytek của Trung Quốc và Cerence đến từ Mỹ.
Hầu hết trợ lý ảo AI cho ôtô hiện chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm soát hệ thống điều hướng, phát nhạc và bật điều hòa bằng giọng nói. Tuy nhiên, các công ty ngày càng tích hợp nhiều tính năng hơn nhằm đón đầu xu hướng xe tự lái, như tự dừng và đỗ xe chỉ bằng một câu lệnh.
"Các mẫu xe mới cho phép người dùng điều khiển xe ngay cả khi không ở trong đó. Điều này rất hữu ích, nhất là khi họ muốn rời khỏi một bãi đậu xe chật hẹp", một nhân viên bán hàng tại đại lý ô tô Changan ở Đại Liên chia sẻ khi đề cập đến công nghệ của iFlytek.
Jiang Tao, Phó chủ tịch cấp cao của iFlytek, trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi đầu tháng cho biết khoảng 7 triệu xe tích hợp hệ thống AI của công ty năm 2021 và ước đạt 9 triệu xe trong năm nay. Dù vậy, tham vọng bành trướng của công ty này ra nước ngoài có thể gặp khó, do đang bị Mỹ liệt vào danh sách cấm vận.
Trong khi đó, Cerence, công ty kiểm soát hơn một nửa thị trường trợ lý ảo cho ôtô toàn cầu, hiện là đối tác của 65 hãng xe lớn, như BMW, Ford Motor và Toyota Motor. Công ty hoạt động mạnh mẽ tại Trung Quốc những năm gần đây, nhanh chóng chiếm 40% thị phần năm 2020 nhờ bắt tay với các hãng xe điện lớn tại Trung Quốc, gồm nhiều startup.
Theo giới quan sát, đến hết 2022, trợ lý ảo dựa trên AI tại Trung Quốc có thể vẫn chỉ là cuộc đua giữa iFlytek và Cerence. Nhưng trong vòng vài năm tới, cả hai sẽ không còn giữ được vị thế hiện tại do hàng loạt công ty khác nhảy vào cạnh tranh.
Số liệu của hãng nghiên cứu Deloitte cho thấy, thị trường nhận dạng giọng nói ở Trung Quốc, gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tài chính, sẽ tăng từ 28,5 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) vào năm 2021 lên 145,2 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) năm 2030. Phân khúc ôtô chỉ chiếm 10% năm 2021, nhưng được dự đoán tăng trưởng gấp nhiều lần trong tương lai.
(theo Nikkei Asia)