Sau một buổi đi uống cà phê, thấy quán được trang trí bằng đồ thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu mây, tre rất tinh xảo, ông FraucV. Delava (quốc tịch Pháp) nằng nặc "đòi" vợ là bà Lê Thị Bích Sơn đưa đến cơ sở sản xuất để tìm hiểu.
Bà Sơn cho biết, chồng rất yêu thích văn hóa và các sản phẩm mang tính truyền thống của Việt Nam.

Ông FraucV. Delava đến cơ sở sản xuất để mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ gia dụng (Ảnh: Vi Thảo).
Thời gian gần đây, vợ chồng ông FraucV. Delava quyết định chọn thành phố Huế (quê hương bà Sơn) để đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú và định hướng trang trí cơ sở của mình bằng vật liệu truyền thống Việt Nam.
Tại làng nghề mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, thành phố Huế), cặp vợ chồng Việt - Pháp tìm được đủ những món đồ yêu thích.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc hợp tác xã mây tre đan nơi đây cho biết, thời gian qua, làng nghề truyền thống trên 600 năm tuổi này thường xuyên đón khách tham quan, mua hàng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng Bao La còn được xuất đi nước ngoài qua một đối tác ở phía Bắc, từ đó khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo ông Dinh, từ xa xưa, người dân Bao La đã sử dụng mây, tre để đan lát, tạo ra các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, rổ, rá, dần sàng, nơm cá,..
Tuy nhiên, khi thị trường xuất hiện các mặt hàng cùng chủng loại bằng chất liệu nhựa làm hàng loạt, sản phẩm thủ công của Bao La dần thất thế, nhiều người bỏ nghề.

Sản phẩm mây, tre đan Bao La đa dạng về mẫu mã, chủng loại (Ảnh: Vi Thảo).
Trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, năm 2007, ông Dinh cùng những người đã gắn bó lâu năm với việc đan lát quyết định thành lập hợp tác xã để tổ chức sản xuất. Để có thể tồn tại trong giai đoạn mới, làng nghề chuyển hướng, làm dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ du lịch, trang trí, lưu niệm.
Ông Dinh cho biết, các sản phẩm của hợp tác xã do 2 nghệ nhân Võ Chức và Thái Phi Hùng đảm nhận khâu chế tạo mẫu, "không đụng hàng" trên thị trường. Đến nay, làng nghề này có trên 500 chủng loại khác nhau, đồng thời tiếp tục phát triển thêm 25-30 mẫu mới mỗi năm.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng và phong phú từ những vật dụng hàng ngày như khay, đĩa, rổ, rá,... đến những món đồ trang trí, lưu niệm tinh xảo như lồng đèn, cầu tràng tiền, chùa Thiên Mụ, mô hình di tích lịch sử, túi xách,…
Riêng các sản phẩm rổ, rá, lồng đèn trang trí của làng nghề đã được chứng nhận OCOP 4 sao (sản phẩm thế mạnh địa phương) và được người tiêu dùng ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản ưa chuộng.

Hợp tác xã mây tre đan truyền thống tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, nhất là phụ nữ (Ảnh: Vi Thảo).
Bình quân, mỗi tháng, hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 5.000 sản phẩm, đem về tổng nguồn thu 5-6 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn trước dịch Covid-19, có đến 80% đơn hàng của làng nghề xuất đi nước ngoài.
"Sau một thời gian chững lại vì dịch Covid-19, đến nay, đầu ra của hàng thủ công mỹ nghệ Bao La đã ổn định trở lại. Người lao động vì thế có việc làm quanh năm, kể cả mùa mưa lũ. Hợp tác xã hiện giải quyết việc làm cho 138 lao động, với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/tháng", ông Dinh nói.
Theo ông Dinh, tới đây, làng nghề truyền thống 600 năm tuổi này sẽ hướng tới phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm, qua đó tăng thêm nguồn thu, đồng thời thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia, giúp bảo tồn nghề.