Công nghệ

Samsung lần đầu bán TV OLED

Gần 10 năm sau khi giới thiệu nguyên mẫu TV OLED đầu tiên nhưng phải sớm hủy bỏ dự án do vấn đề liên quan đến sản xuất, Samsung đã chính thức bán TV công nghệ này. Hãng cũng sẽ sử dụng tên gọi đơn giản là OLED cho dòng sản phẩm thay vì QD-OLED như các tin đồn trước đó.

Samsung S95B được hé lộ tại Mỹ hồi tháng 3 và chuẩn bị bán ra tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, vài ngày tới. Công ty Hàn Quốc đang cho đặt hàng sản phẩm độ phân giải 4K với hai lựa chọn kích thước màn hình 55 inch và 65 inch, tên mã QA55S95BAKXXV và QA65S95BAKXXV tương ứng. Hiện chưa có thông tin về giá nhưng nhiều khả năng hãng sẽ định vị model mới trong cùng dải sản phẩm cao cấp với dòng Neo QLED.

Samsung OLED S95B. Ảnh: Rtings

Samsung OLED S95B. Ảnh: Rtings

TV mới của Samsung có thiết kế viền siêu mỏng, chân đế đặt giữa bằng kim loại và có hệ thống giấu dây thông minh. Nhiều công nghệ cao cấp của S95B cũng tương tự Neo QLED như âm thanh vòm Dolby Atmos không dây với loa đánh trần vật lý, công nghệ âm thanh Object Tracking Sound, đồng bộ âm thanh Q-Symphony. Sản phẩm chạy hệ điều hành Tizen OS, có tìm kiếm, ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt, các tính năng thông minh Smart HUB, Gaming HUB hay Multi View.

Động thái ra mắt sản phẩm mới ngược với tuyên bố của chính hãng Hàn Quốc năm 2017. Theo Samsung khi đó, OLED chỉ phù hợp cho các thiết bị có vòng đời ngắn, như điện thoại thông minh, do màn hình này bị "burn-in" (lưu hình). TV hay các loại màn khác là thiết bị điển hình cho việc màn hình luôn được bật trong khoảng thời gian dài. Samsung đã nhiều năm theo đuổi TV QLED (công nghệ LED với chấm lượng tử Quantum Dot) trong khi OLED TV gần như gắn liền với tên tuổi của đối thủ đồng hương LG.

Công nghệ OLED, viết tắt của đi-ốt phát sáng hữu cơ, gồm các điểm ảnh có thể tự phát sáng và bật/tắt độc lập. Có nghĩa, khi TV cần hiển thị màu đen, các điểm ảnh sẽ tắt hoàn toàn và người xem cảm nhận được màu đen tuyệt đối ở vị trí cần thiết. Đây là khác biệt lớn so với TV LED truyền thống, vốn sử dụng đèn nền (hoặc đèn viền) thường tạo "vầng hào quang" xung quanh các vùng tối nhất trên màn hình.

Khác biệt giữa công nghệ QD-OLED do Samsung sử dụng và White OLED của LG. Ảnh: Nanosys

Khác biệt giữa công nghệ QD-OLED do Samsung sử dụng và White OLED của LG.

Tấm nền QD-OLED trên TV OLED của Samsung có sự khác biệt khi sử dụng OLED xanh lam kết hợp với các chấm lượng tử cho màu đỏ và xanh lục, khác với WOLED (hoặc WRGB) của LG. QD, đại diện cho công nghệ chấm lượng tử cũng giúp TV tăng độ sáng đáng kể - hạn chế cố hữu của dòng TV OLED hiện nay. Ngoài Samsung, Sony cũng sắp bán TV dùng tấm nền QD-OLED là Bravia Series A95K.

LG hiện thống trị thị trường TV OLED tại Việt Nam. Có bốn trên sáu dòng sản phẩm ra mắt trong năm 2022 là của hãng, hai model còn lại thuộc về Sony. Dải sản phẩm của LG hiện cũng khá đa dạng, kích thước lựa chọn từ 42 đến 97 inch, giá cũng đã rẻ hơn trước đây khá nhiều, chỉ còn từ hơn 30 triệu đồng.

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Giá vàng tăng dựng đứng

TPO - Sáng nay (15/3), giá vàng trong nước tiếp tục tăng dựng đứng. Theo đó, giá vàng nhẫn lên mốc kỷ lục mới 96,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng gần chạm mốc 96 triệu đồng/lượng.