Theo tài liệu trình đại hội cổ đông của Ngân hàng Á Châu (ACB), lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ của ngân hàng hiện còn gần 23.634 tỷ đồng. Nhà băng dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 25%, gồm 15% cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Với phương án chia cổ tức này, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp ACB thực hiện chính sách cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Năm tới, nhà băng này cũng dự kiến duy trì việc chia cổ tức gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt.
Trước vấn đề này, một cổ đông lo ngại việc liên tục chia cổ tức tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến không gian phát triển của ngân hàng. Theo đó, cổ đông này nói, ngân hàng là ngành đặc thù, gắn liền với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ này nếu kéo dài liên tục trong khoảng 6 năm sẽ tương đương "mất đi một ngân hàng ACB như hiện tại".
"Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản là 14%, thấp hơn so với mức chung 16% mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. Nếu tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt, ACB có thể mất đi nguồn lực quan trọng để mở rộng quy mô tài sản. Tôi cho rằng năm nay kế hoạch đã được lập sẵn, nhưng những năm tiếp theo cần cân nhắc lại chính sách này", cổ đông đề xuất.

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, ông Trần Hùng Huy cho biết trong nhiều năm qua, rất nhiều cổ đông đã kiến nghị việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Đây được coi là bài toán để hài hòa lợi ích của các bên.
"Hội đồng quản trị luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng để tìm ra tỷ lệ phù hợp nhằm tối ưu nguồn vốn cho cổ đông trong trung và dài hạn, chứ không chỉ tính toán trên lợi ích ngắn hạn trong vòng 6 tháng đến một năm. Chúng tôi sẽ ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các cổ đông", ông Huy khẳng định.
Ngoài ra, trước lo ngại từ chính sách thuế mới của Mỹ, ACB khẳng định đã rà soát toàn bộ danh mục khách hàng và chưa ghi nhận tác động đáng kể. Ngân hàng vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18%, với động lực chính đến từ mảng khách hàng cá nhân và SME.
Chiến lược mở rộng tín dụng sang khối doanh nghiệp lớn trong hai năm qua được đánh giá là thành công, với mức tăng trưởng trên 80%. ACB cho biết tỷ lệ nợ xấu phát sinh từ nhóm khách hàng này hiện rất thấp.
Ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời củng cố nhận diện thương hiệu trong nhóm khách hàng trẻ. Chủ tịch HĐQT chia sẻ ACB đạt mức độ nhận diện lên đến 97% thị trường.
Bên cạnh đó, khi trả lời về kết quả kinh doanh quý I/2025 và khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm, ban lãnh đạo ACB cho biết lợi nhuận quý đầu năm ước đạt khoảng 4.600 tỷ đồng, tương đương 20% kế hoạch năm. Huy động vốn tăng hơn 2%, nợ xấu giảm từ 1,39% xuống 1,34%.