Chia sẻ trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông sáng 8/4, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB nhận định, việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tổng cầu nền kinh tế, tỷ giá và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ tác động đến tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Phát khẳng định ACB đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, rà soát toàn bộ danh mục khách hàng ngay khi nhận được thông tin này.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB
Hiện tại, danh mục khách hàng của ACB tập trung chủ yếu vào cá nhân chiếm trên 60%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm khoảng 29%, còn lại là doanh nghiệp lớn. Lãnh đạo ACB nói, nhà băng mới phát triển mảng doanh nghiệp lớn và FDI trong vài năm gần đây, với nguyên tắc không tập trung vào một thị trường duy nhất nhằm hạn chế rủi ro. Theo ông Phát, hiện tại chưa có ảnh hưởng đáng kể nào từ chính sách thuế mới lên nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn.
"Chúng tôi vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16 - 18%. Thế mạnh của ACB vẫn là mảng khách hàng cá nhân và SME, đồng thời chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng mạnh hơn vào mảng doanh nghiệp lớn và FDI – nơi mà thị phần hiện tại của ngân hàng mới chỉ đạt 1% và còn rất nhiều không gian để phát triển", Tổng giám đốc ACB nhấn mạnh.
Về xu hướng lãi suất, lãnh đạo ACB dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ nhưng sẽ ổn định nhờ vào nội lực điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Điều này giúp ngân hàng duy trì ổn định hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, trước câu hỏi liên quan đến sự chuyển dịch của ACB sang mảng tín dụng doanh nghiệp lớn thời gian qua, ông Phát cho rằng đây là một chiến lược thành công. Trong hai năm gần đây, tín dụng dành cho mảng doanh nghiệp lớn đã tăng trưởng trên 80%, xuất phát từ bối cảnh mảng khách hàng cá nhân gặp khó khăn sau dịch COVID-19.
"Hiện tại, chúng tôi chỉ ghi nhận 1-2 khoản nợ xấu nhỏ liên quan đến hoạt động kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp lớn, tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể. Đây là tín hiệu tích cực để chúng tôi tiếp tục duy trì chiến lược này trong 5 năm tới", ông Phát chia sẻ.
Về kế hoạch tiếp cận giới trẻ, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết, mỗi năm ngân hàng đều thực hiện khảo sát thị trường và ghi nhận mức độ nhận diện rất cao, đạt tới 97%. "Chúng tôi tin tưởng vào khả năng lan tỏa của thương hiệu ACB đến nhóm khách hàng trẻ tuổi trong thời gian tới", ông Huy khẳng định.

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ACB
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sức ép cạnh tranh và các rào cản thương mại gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%. Theo đó, ACB đặt kế hoạch năm 2025 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến tăng 14%, đạt gần 985.000 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16%, đạt hơn 673.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Ngân hàng tiếp tục ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản, quản lý chi phí hiệu quả và đầu tư mạnh vào chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh.