Văn hóa giờ giấc chuẩn chỉ nơi công sở từ lâu vẫn luôn là vấn đề cần bàn luận trong nhiều cuộc họp của các công ty. Tất nhiên, đi làm đúng giờ là điều đáng được hoan nghênh, khuyến khích. Đi làm muộn đáng bị phạt để răn đe, nhưng phạt như thế nào để đạt hiệu quả mà tránh gây bức xúc mới là chuyện khó.
Theo tờ tin tức Ladbible (Anh), mới đây, một người dùng mạng xã hội Reddit đã đăng tải bức ảnh về quy tắc phạt đi muộn nơi anh làm việc. Bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng vì chi tiết gây bất bình.
Trong đó, người này viết: "Thật muốn hét lên ở nơi tồi tệ nhất mà tôi từng làm việc (tất nhiên là mức lương tối thiểu)".
Bài đăng lan truyền chính vì những dòng chữ trong bức ảnh chụp tờ quy tắc phạt người đi muộn do vị sếp của "chủ thớt" đưa ra.
Bức ảnh chụp tờ giấy thông báo quy tắc phạt người đi làm muộn khiến dân mạng bức xúc.
Nội dung viết: "QUY TẮC MỚI TRONG VĂN PHÒNG: Cứ mỗi phút bạn đi làm muộn, bạn sẽ phải làm việc thêm 10 phút sau 6 giờ tối. Ví dụ: Nếu bạn đến lúc 10:02, bạn sẽ phải ở lại thêm 20 phút cho đến 6:20 chiều. Cảm ơn".
Quy tắc này nhanh chóng gây bức xúc trong cộng đồng mạng, khiến nhiều người không thể không lên tiếng bày tỏ sự bất bình. Một người mô tả quy tắc phạt đi muộn này là "thảm hại, ích kỷ và đáng buồn".
Trong khi một người khác bình luận: "Ngài có muốn mất nhân viên không đấy? Vì đó là cách ông đẩy nhân viên của mình đi".
Một số người đã phát hiện ra rằng quy tắc phạt đi muộn này thực sự là bất hợp pháp vì làm thêm thời gian vì đi muộn mà không được trả lương sẽ đẩy lương của nhân viên xuống dưới mức lương tối thiểu.
Ảnh minh họa.
Một số người đưa ra ý kiến đề cao sự công bằng, rằng nhân viên đi làm sớm 1 phút nên được phép về sớm hơn 10 phút.
"Nếu tính như thế, ai đó đến sớm 54 phút (nhân lên 10) đồng nghĩa với việc anh ta đã hoàn thành hết các công việc trong ngày?", một người viết.
Cũng có một số ít bình luận đứng về phía vị sếp kia. Họ cho rằng đó là một biện pháp cứng rắn để giúp nhân viên không còn đi làm muộn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.
Hiện bài đăng này vẫn đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng quy tắc này sẽ không được áp dụng vì rõ ràng nó vi phạm luật lao động ở Anh.
Nguồn: Ladbible