Bộ phim "Em và Trịnh" như một cuốn băng chạy dài tái hiện rất nhiều câu chuyện của cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Câu chuyện trong phim trải dài suốt 3 thập niên từ 1960 đến 1990, thế nên các bối cảnh trong phim cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Có một số địa điểm như Gác Trịnh, Cà phê Tùng dù vẫn còn tồn tại nhưng kiến trúc, không khí đã bị thay đổi ít nhiều. Và đặc biệt tại bối cảnh nhà của nhạc sĩ tại TP. Hồ Chí Minh cũng khiến đoàn phim "toát mồ hôi" khi phải sắm sửa cũng như bày trí lại nội thất trong từng ngóc ngách để tạo cảm giác ấm cúng như có người đang sinh sống.
Phân đoạn nhà của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim "Em và Trịnh"
Bối cảnh nhà tại phố thị được thể hiện rõ ở phân đoạn nhạc sĩ gặp gỡ cô sinh viên người Nhật Michiko vào năm ngày tháng tuổi trung niên của cố nhạc sĩ.
Ở giai đoạn cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Yoshii Michiko bén duyên với Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này. Cũng như dành tình cảm sâu nặng dành cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Và căn nhà hai người xuyên gặp gỡ là nhà của ông tại số 47C Duy Tân, nay là đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà là sự giao thoa của phong cách kiến trúc Việt Nam hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở của sự hoài cổ, truyền thống.
Căn nhà được chọn là bối cảnh chính lúc trung niên của cố nhạc sĩ trong phim "Em và Trịnh"
Điều đặc biệt là nhà trong phim được lấy bối cảnh thành phố thế kỉ trước nhưng thực tế ngôi nhà ở địa chỉ tại 196, đường Cách Mạng Tháng 8, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Nơi này đã được đoàn làm phim phục dựng và điều chỉnh những chi tiết để giống nhất với căn nhà thật của cố nhạc sĩ.
Bức tường màu vàng quen thuộc cũng nhưng hoạ tiết hoa văn giống với nguyên tác.
Tuy chỉ là bối cảnh để mô phỏng lại ngôi nhà của nhạc sĩ tại Sài thành nhưng lối kiến trúc lại giống y như đúc.
Đến cả những chi tiết nhỏ nhặt được đoàn làm phim phục dựng lại tất cả trong căn nhà số 196 này.
Và thoảng đâu đó giữa nhịp của bộ phim, những gì còn lại sau những đoạn nhạc vang lên đầy cảm xúc là những khoảng lặng để nhớ về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Và để mường tượng đâu đây, bóng dáng người nhạc sĩ và căn nhà ấy còn giữ cho riêng mình “một cõi đi về”...