Bệnh nhân nhập viện sốt xuất huyết tăng, ca sốc nặng nhiều
Những ngày gần đây tại Khoa bệnh Nhiệt đới và Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn kín giường điều trị do số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh.
Theo BSCKI Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng, Đồng Nai từ đầu tháng 4 trở lại đây bệnh SXH tăng cao. Khoa bệnh Nhiệt đới có 101 giường, tuy nhiên, những ngày gần đây số lượng trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, trong đó SXH chiếm phần đa nên có thời điểm khoa phải kê lên 140 giường bệnh.
Trẻ nằm điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai.
Trong khi đó, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có chỉ tiêu 28 giường bệnh, tuy nhiên ThS.BS Trần Lê Duy Cường, Phó khoa Hồi tích cực chống độc cho biết hàng ngày khoa tiếp nhận điều trị từ 38-40 bệnh nhân, trong đó số ca SXH dao động từ 15-20 bệnh.
Đáng chú ý, số ca SXH nặng, có sốc rất nhiều và thường chiếm nhiều ở những trẻ bị bệnh nền kèm theo như tan máu bẩm sinh, tim bẩm sinh hay trẻ có cơ địa béo phì.
Do vậy, việc theo dõi những trẻ này phải kỹ càng, phải đo huyết áp, xét nghiệm máu thường xuyên vì những trẻ có bệnh nền thường dễ diễn tiến nặng, khi đó quá trình điều trị cũng khó khăn hơn.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm tiếp nhận 15-20 ca bệnh mới, trong đó khoảng 2/3 là bệnh SXH. Không chỉ tăng về số ca, mà số lượng bệnh nặng cũng tăng, một tuần có ít nhất 3-4 ca sốc SXH.
"Người dân khi sốt cao liên tục 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt thì nên đến cơ sở y tế gần nhất kiểm tra, xét nghiệm máu để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp. Vì hiện nay, nhiều trường hợp bệnh nhân do chủ quan cứ nghĩ mình bị cảm cúm nên mua thuốc về điều trị hoặc đến các phòng khám tư nhân truyền dịch, điều này dẫn đến nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng tiền sốc, thậm chí đã sốc, chúng tôi phải cấp cứu, chống sốc tại chỗ", BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay.
Hiện dung dịch cao phân tử HES 200 theo chuẩn của Bộ Y tế đã không còn hàng trên toàn quốc, nên bệnh viện đang sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130 và đã mua dự trữ cao phân tử này trong mùa dịch SXH. Còn về tiểu cầu, các bệnh viện tuyến tỉnh không dự trữ nên khi có bệnh nhân cần thì bệnh viện sẽ lên BV Chợ Rẫy TP.HCM để mua tiểu cầu.
Hiện dung dịch cao phân tử HES 200 theo chuẩn của Bộ Y tế đã không còn hàng trên toàn quốc, nên bệnh viện đang sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130 và đã mua dự trữ cao phân tử này trong mùa dịch SXH. Còn về tiểu cầu, các bệnh viện tuyến tỉnh không dự trữ nên khi có bệnh nhân cần thì bệnh viện sẽ lên BV Chợ Rẫy TP.HCM để mua tiểu cầu.
BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Theo báo cáo Sở Y tế Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay, Đồng Nai có hơn 5.100 ca mắc SXH (trong đó có hơn 3.300 ca trẻ em), tăng 86,69% so với cùng kỳ năm 2021 đã ghi nhận 5 ca tử vong.
Cảnh giác sốt xuất huyết và tay chân miệng cùng song hành
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện bệnh viện đang bắt đầu quá tải, do số lượng trẻ em mắc 3 bệnh SXH, TCM, nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao. So với năm trước, hiện nay bệnh SXH đang tăng cao cả về số lượng ca bệnh và số ca bệnh nặng.
Để đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị bệnh SXH, cách đây vài tháng bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các dịch truyền, thuốc men, trang thiết bị máy móc, phòng ốc cho bệnh nhân nằm.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang được điều tị tích cực.
Bệnh viện cũng đã tổ chức lớp tập huấn về chăm sóc, theo dõi điều trị bệnh nhân SXH cho toàn tỉnh và tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh SXH tốt nhất.
"Về dịch truyền, thuốc men trong điều trị SXH bệnh viện đáp ứng đủ, nhân lực hiện tại cũng đáp ứng đủ, tuy nhiên sắp tới nếu số ca bệnh tăng lên nhiều, có thể bệnh viện sẽ gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực tại các khoa điều trị SXH", BS. Nguyễn Trọng Nghĩa lo lắng.
BS. Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, Khoa Nhiễm của bệnh viện có 60 giường bệnh, nhưng phải trừ một khu khoảng 10 giường để điều trị ca COVID-19 nặng. Do khoa Nhiễm trước đây là Khoa Hồi sức COVID-19 nên đã có đầy đủ máy móc, trang thiết bị như máy monitor, máy thở, máy bơm điện, máy đếm giọt… và bệnh viện cũng trang bị đầy đủ dịch truyền, cao phân tử đáp ứng được việc điều trị cho bệnh nhân SXH.
Để đáp ứng công tác điều trị SXH, bệnh viện cũng đã cử các bác sĩ, điều dưỡng tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong chẩn đoán, điều trị SXH do Sở Y tế Đồng Nai tổ chức. Tuy nhiên, BS. Hùng lo lắng, thời gian tới dự báo số ca SXH còn tăng cao, trong khi đó nhân lực của khoa chỉ có 8 bác sĩ, nhưng phải phụ trách thêm Phòng khám OPC (phòng khám, điều trị ngoại trú HIV) và phải đi công tác phục vụ cho công tác phòng chống SXH của tỉnh nên sẽ gặp khó khăn về nhân lực.
Vì vậy, khoa cũng đã lên phương án trong trường hợp số ca mắc SXH nhập viện tiếp tục tăng cao sẽ huy động các khoa khác xuống hỗ trợ. Hoặc những khoa còn giường trống sẽ tiếp nhận những ca SXH nhẹ, còn khoa Nhiễm sẽ điều trị những ca SXH nặng, để giảm áp lực cho khoa Nhiễm.
BSCKII Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện nay tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, do vậy các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh cần chuẩn bị đầy đủ phòng, máy móc, thuốc men để đáp ứng tốt việc thu dung điều trị SXH.
Đặc biệt, các bác sĩ, điều dưỡng cần cập nhật những quy định về công tác chuyên môn, các phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế, nâng cao năng lực trong chẩn đoán, theo dõi điều trị SXH qua các lớp tập huấn mà Sở Y tế cũng như các bệnh viện tổ chức.
"SXH là bệnh có cơ chế bệnh sinh, triệu chứng, phác đồ điều trị rõ ràng nhưng diễn biến bệnh ở mỗi bệnh nhân khác nhau, do vậy đòi hỏi các bác sĩ nâng cao năng lực để chẩn đoán đúng bệnh, đúng giai đoạn để có phác đồ điều trị phù hợp, hạn chế thấp nhất ca tử vong", BS. Bình nhấn mạnh.