Tạm đình chỉ ngay nếu uống rượu bia trong giờ làm việc
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 23/2023, hình thức xử lý kỷ luật lao động đặc thù với nhân viên hàng không bao gồm tạm đình chỉ ngay công việc và theo quy định của Luật Lao động nếu vi phạm các quy định, nội quy lao động gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không; bị điều tra, khởi tố trong các vụ án hình sự.
Ngoài ra, nhân viên tự ý bỏ vị trí làm việc; uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở trong khi thực hiện nhiệm vụ; trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân; lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng khác theo quy định; đánh bạc, gây rối, làm mất an ninh, trật tự tại nơi làm việc... sẽ bị đình chỉ công việc ngay lập tức.
Việc tạm đình chỉ ngay được người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền thực hiện bằng lời nói tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định mới, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi tạm đình chỉ bằng lời nói, người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền phải ban hành quyết định tạm đình chỉ, trong đó xác định rõ thời hạn tạm đình chỉ. Thời hạn tạm đình chỉ theo quy định tại bộ Luật Lao động và được tính kể từ thời điểm thực hiện bằng lời nói.
Được xóa án tích sau 5 năm có thể hành nghề trở lại
Thông tư cũng quy định người sử dụng lao động không được bố trí người lao động là nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động hoặc chấp hành xong các hình phạt trong vụ án hình sự vào làm việc tại các chức danh nhân viên hàng không trong thời hạn 5 năm kể từ các thời điểm sau đây:
Kể từ khi có quyết định xử lý kỷ luật lao động có hiệu lực đối với các trường hợp: gây sự cố, tai nạn, uy hiếp an toàn, an ninh hàng không; trộm cắp, chiếm đoạt trái phép tài sản; lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa; sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích và kể từ khi được xóa án tích trong vụ án hình sự.
Việc cho phép sử dụng nhân viên hàng không được xóa án tích, sau 5 năm chấp hành xong kỷ luật trở lại làm việc tại các chức danh nhân viên hàng không là điểm mới đáng chú ý của thông tư mới này.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không , vừa qua Bộ Tư pháp có ý kiến nên sửa Thông tư 46/2013 theo hướng không cấm vĩnh viễn nhân viên hàng không vi phạm kỷ luật lao động đặc thù trở lại làm công việc cũ. Việc cấm vĩnh viễn trở lại công việc cũ khi người đó chấp hành xong bản án, thi hành xong kỷ luật, từ bỏ được ma túy là vi phạm quyền con người. Do vậy, thông tư được sửa theo hướng sau khi được xóa án tích, sau 5 năm thi hành kỷ luật sẽ được xem xét trở lại làm nhân viên hàng không nếu sức khỏe, khả năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu, không còn nghiện ma túy…