Nhận định tại Talk Show "Phố Tài chính" do VTV tổ chức ngày 7/8, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh cho rằng, những điểm tích cực trong kinh tế toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Trong khi hồi đầu năm các tổ chức quốc tế đều cảnh báo nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái rất lớn thì kết quả tăng trưởng quý II vừa công bố của các quốc gia lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản cho thấy vẫn chưa có cuộc suy thoái nào.
Điểm lạc quan là các nền kinh tế đầu tàu hầu như đều tăng trưởng cao hơn so với dự báo. Trong đó, Mỹ tăng trưởng rất mạnh 2,4% so với mục tiêu 2% của quý II, châu Âu cũng ước tính đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quý II. Mức tăng này không quá lớn song vẫn là điểm tích cực khi Châu Âu thoát khỏi tăng trưởng âm từ 2 quý trước đó cho thấy khu vực này đã thoát khỏi suy thoái.
Ở châu Á, Nhật Bản cũng tăng trưởng 1,4% so với mức tăng trưởng 1% của năm ngoái. Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng cao.
Xuất khẩu sẽ hồi phục trong quý III
"Đây là những điều khiến các nhận định lạc quan hơn trong nửa cuối năm. Chúng ta nhận thấy rất rõ, khu vực châu Âu tăng trưởng dương trở lại và thoát đáy cho thấy vẫn chưa có một cuộc suy thoái sâu nào xảy ra", ông Tuấn nói.
Đặc biệt là đầu tàu kinh tế là Mỹ vẫn chưa thấy sự suy thoái như nhận định mà các tổ chức đưa ra vào đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới đâu đó vẫn trên 50% nhưng ít nhất là điều này sẽ không xảy ra trong năm 2023, chuyên gia Hồ Quốc Tuấn phân tích.
Theo ông, sự tích cực từ kinh tế thế giới sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, khi một động lực quan trọng của chúng ta là xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào các thị trường nước ngoài.
"Quý III sẽ tạo ra đáy của lĩnh vực thương mại và từ đó đi lên. Nó phù hợp với yếu tố mùa vụ, bất kể xuất khẩu hàng hoá khó khăn cỡ nào thì trước mùa đông là mùa tiêu thụ các nhà sản xuất và bán lẻ cũng phải tăng lượng hàng tồn kho. Đây là cơ hội để các mặt hàng xuất khẩu đang giảm sâu sẽ tăng trưởng trở lại, hỗ trợ cho xuất khẩu Việt Nam", ông Tuấn cho hay.
Yếu tố thứ hai là Trung Quốc hiện đang tích cực khôi phục thị trường nhà ở, điều này sẽ làm tăng nhu cầu với các mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt, thép, các mặt hàng nội thất, thiết bị… Điều này tác động tích cực không chỉ với các nhà sản xuất của Việt Nam còn đến giá cả tại thị trường toàn cầu. Nhờ đó, góp phần hồi phục nhiều ngành sản xuất quan trọng cũng như xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5-5,6%
Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, những yếu tố tích cực từ các thị trường lớn sẽ tạo lợi thế cho tăng trưởng GDP vào nửa cuối năm.
Ngay sau khi kết quả tăng trưởng GDP của một số quốc gia lớn trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ được công bố thì các tổ chức lớn trên thế giới như WB hay IMF đều đồng loạt tăng mức dự báo GDP toàn cầu.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng cập nhật dự báo rằng, nếu có suy thoái thì mức độ cũng nhẹ nhàng hơn, nền kinh tế thế giới có thể sẽ hạ cánh mềm. Trong quý II vừa qua, Trung Quốc tăng trưởng 6,3% là mức thấp hơn so với dự kiến nhưng vẫn cao hơn so với mức 5% của quý I.
Đối với Việt Nam, khu vực xuất nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu. Vì vậy, những diễn biến tích cực trong tăng trưởng kinh tế ở các thị trường này, nhu cầu của họ sẽ phục hồi tốt hơn từ đó kích thích xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với các yếu tố trong nước, đến thời điểm hiện tại, giải ngân vốn đầu tư công vẫn khá tốt tăng trưởng 22-23%, cầu tiêu dùng thì sẽ mất thêm thời gian để phục hồi, song đây sẽ là những động lực quan trọng để kéo tăng trưởng GDP nửa cuối năm và cả năm 2023, ông Long nhìn nhận.