Tuvalu nằm giữa Úc và Hawaii, với tổng diện tích chỉ 26 km², bao gồm 9 đảo nhỏ. Do vị trí địa lý biệt lập, từ trước đến nay, toàn bộ hoạt động giao dịch tại Tuvalu - dù là của người dân hay du khách đều được thực hiện bằng tiền mặt. Vì vậy, việc lắp đặt máy rút tiền tự động đầu tiên được xem là một bước ngoặt lớn.
![]() |
Thủ tướng Feleti Teo (thứ hai từ phải sang) và các chức sắc ăn mừng lễ lắp đặt máy ATM tại Tuvalu. |
Phát biểu tại lễ khánh thành trên đảo chính Funafuti, Thủ tướng Feleti Teo khẳng định đây là một “bước tiến mang tính bước ngoặt” trong hành trình hiện đại hóa hệ thống tài chính quốc gia. Ông cùng các quan chức địa phương đã tổ chức một buổi lễ trang trọng, cắt bánh kem socola khổng lồ để kỷ niệm sự kiện.
Các máy ATM do Ngân hàng Quốc gia Tuvalu vận hành, với sự hỗ trợ thiết kế từ công ty Pacific Technology Limited. Ông Siose - Tổng Giám đốc ngân hàng Tuvalu - cho biết, hệ thống này sẽ “mở ra cánh cửa trao quyền kinh tế cho người dân Tuvalu” và là một “thành tựu mang tính chuyển đổi”.
Ông Nisar Ali - đại diện từ Pacific Technology - nhận định: “Hệ thống ATM sẽ phá vỡ các rào cản tài chính, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại và tin cậy”.
Tuvalu hiện chỉ đón khoảng 3.000 khách du lịch mỗi năm (theo số liệu năm 2023) và chỉ có một sân bay duy nhất tại Funafuti với vài chuyến bay mỗi tuần từ Fiji. Khi không có máy bay, đường băng thường được người dân sử dụng làm sân chơi cho các hoạt động như bóng đá, bóng bầu dục.
Việc di chuyển giữa các đảo hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống phà do không có chuyến bay nội địa nào hoạt động.
![]() |
Nằm ở Thái Bình Dương rộng lớn, Tuvalu là một trong những quốc gia xa xôi và biệt lập nhất thế giới. |
Ngoài sự biệt lập về địa lý, Tuvalu còn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Với điểm cao nhất chỉ 4,5 m so với mực nước biển, nước biển dâng và xâm nhập mặn đang ngày càng đe dọa đất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.
Tuvalu từng gây chấn động toàn cầu vào năm 2021 khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Simon Kofe đứng giữa làn nước biển để phát biểu phát biểu trước Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), nhằm truyền đi thông điệp về tình trạng khẩn cấp mà quốc gia này đang đối mặt.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, việc đưa vào vận hành ATM đầu tiên cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Tuvalu trong việc bắt kịp với xu thế phát triển toàn cầu. Đây là bước khởi đầu quan trọng để quốc gia nhỏ bé này tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, hỗ trợ thương mại và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, mỗi bước tiến dù nhỏ cũng mang lại hy vọng cho tương lai của một trong những quốc gia mong manh nhất hành tinh.