Theo đó, đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quyết định số 508 cũng chỉ rõ cần đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.
Được biết, việc đánh thuế lên nhà và bất động sản là vấn đề đã được giới chính sách và chuyên gia nhiều lần đề cập. Mới đây nhất, hồi tháng 3 Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản. Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính cho biết hiện chưa có chủ trương xây dựng dự thảo Luật đánh thuế nhà đất.
Trước đó vào tháng 9/2021, Thanh Hoá cũng được gợi ý nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị.
Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại TP HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, chính sách này đến nay không được thực hiện.
Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu điều tiết nhóm có thu nhập cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Tuy nhiên, chính sách này sau đó không được cấp thẩm quyền phê duyệt và đồng thời nhận bị nhiều phản đối từ dư luận.