Thị trường phiên cuối tuần mở cửa trong sắc xanh tương đối tích cực, nhóm cổ phiếu giảm sàn liên tục mấy phiên vừa qua cũng bắt đầu xuất hiện lực cầu bắt đáy mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.390 điểm, nhịp độ giao dịch chậm lại, thị trường bước vào phiên chiều với áp lực bán mạnh dần lên.
Với nỗ lực của trụ đỡ ngân hàng và nhóm vốn hóa lớn, VN-Index đã hồi phục lại từ mốc tham chiếu. Kết phiên, VN-Index tăng 9,02 điểm, tương đương 0,66% và chốt tại 1.379,23 điểm. Thanh khoản gần bằng phiên trước với giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 24.752 tỷ đồng. Tính chung toàn thị trường thì thanh khoản đạt 28.869 tỷ đồng, tăng 2,7% so với phiên liền trước.
Nhà đầu tư tiếp tục có xu hướng thoát ra khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhờ vậy mà nhóm VN30 dường như cũng thu hút được nhiều dòng tiền đầu tư hơn. VN30-Index đóng cửa phiên cuối tuần với mức tăng ấn tượng 17,45 điểm, tương đương 1,22%. Sắc xanh cũng áp đảo với 22 mã tăng giá và chỉ có 5 mã giảm giá là BVH (-5,3%), PNJ (-3,4%), GVR (-3,3%), FPT (-0,8%) và PLX (-0,4%).
Dẫn đầu đà hồi phục của chỉ số là GAS với mức tăng kịch trần, theo sau là VCB (+4,8%), STB (+4,2%), VPB (+3,7%), ACB (+2,5%)…
Đặc điểm về chuyển động ở các nhóm ngành vẫn là phân hóa. Nhóm ngân hàng bật tăng đồng loạt từ những phút đầu, trở thành trụ đỡ nổi trội nhất cho thị trường. Tương tự, ngành nước, khí đốt, kim loại công nghiệp và khai khoáng cũng có giao dịch khá tích cực. Ngược lại, nhóm dầu khí, thủy sản và hóa chất lại chịu sức ép lớn của lực cung.
Tổ chức trong nước đảo chiều mua ròng hơn 1.900 tỷ đồng
Trong phiên giao dịch cuối tuần, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng 1.929 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì họ gom ròng 1.789 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 2/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm dịch vụ tài chính. Top bán ròng có POW, E1VFVN30, FUEVFVND, VSC, HDG, DPM, NLG, DIG, ADS, LDG.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Top10 mã mua ròng của khối này gồm MWG, FPT, MSN, PNJ, MBB, VPB, VJC, VIC, HPG, VHC.
Theo thống kê của FiinTrade, cổ phiếu ngành ngân hàng ghi nhận giá trị giao dịch giảm 7% với trung bình 5 phiên liền trước, chỉ số giá ngành tăng 2,18% chủ yếu dưới tác động của cổ phiếu như VCB, VPB, STB, TCB, SHB, ACB, CTG.
Đây là nhóm cổ phiếu đã điều chỉnh đáng kể từ đầu năm. Tính trong vòng 3 tháng, chỉ có 4/27 mã còn tăng điểm, trong vòng 1 tháng chỉ có 1 mã tăng điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn đáng chú ý, CTG là mã vẫn còn giảm điểm tính trong vòng 1 năm. VCB là cổ phiếu tăng điểm mạnh 4,9% phiên cuối tuần, giúp cho cổ phiếu này tăng điểm trở lại trong vòng 1 năm với tỷ lệ 3,1%.
NĐT cá nhân bán ròng đột biến hơn 2.850 tỷ đồng, tâm điểm MWG, MSN, FPT
Trong phiên VN-Index hồi phục sau chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, giao dịch của NĐT cá nhân vẫn nhuốm màu ảm đạm khi họ tăng quy mô rút vốn lên 2.853 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 2.694 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 2/18 ngành, trong đó họ tập trung gom cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã: DPM, VND, OCB, VHM, PTB, POW, FRT, VSC, CII, VCI.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 16/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu ở ngành bất động sản, thực phẩm & đồ uống. Top bán ròng có: MWG, MSN, FPT, DGC, HPG, VNM, PNJ, GAS, VJC.
Khối ngoại mua ròng mạnh cuối phiên, tập trung gom DXG, MSN, DGC
Về giao dịch của NĐT nước ngoài, họ mua ròng mạnh cuối phiên với tổng quy mô rót vốn lên tới 924 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 906 tỷ đồng. Động thái mua ròng của nước ngoài vào cuối phiên và việc mua rải rác, chia tỷ trọng đều nhiều mã và tập trung vào mã lớn cho thấy đây là lực mua của quỹ ETF.
Trong những phiên gần đây Fubon và KIM KINDEX là 2 quỹ ngoại mua ròng mạnh nhất. Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm bất động sản, thực phẩm & đồ uống. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã: DXG, MSN, DGC, VNM, GAS, HPG, KDH, GEX, NLG, STB.
Trong khi đó, áp lực rút vốn của NĐT ngoại chủ yếu ghi nhận tại nhóm dịch vụ tài chính. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: DPM, VND, VHM, OCB, HDB, PTB, BWE, FRT, VHC.