Do có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng trong kinh tế, Sài Gòn trước đây và TP HCM hiện nay luôn là nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư, các dân tộc từ mọi miền đất nước đến định cư sinh sống.
Văn hóa giao thông đô thị tạo nên hình ảnh “Công dân kiểu mẫu” TP HCM. Ảnh chụp trên đường Nguyễn Du, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Văn hóa đô thị và mối quan hệ thị dân
Với số lượng dân cư lớn như vậy, sự đa dạng, phức tạp về nguồn gốc, mật độ dân số cao..., mối quan hệ của những thành viên trong từng cộng đồng, giữa các cộng đồng dân cư với nhau vô cùng quan trọng. Bởi thành phố là nơi tập trung dân cư, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, sống và làm việc theo kiểu thành thị (lối sống, sinh hoạt, giờ giấc, dịch vụ, giao thông...) nên cần tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ chung của đô thị, bảo đảm đời sống được vận hành khoa học và tốt đẹp.
Dân cư và cộng đồng dân cư gắn liền với phát triển đô thị, bắt đầu từ 3 biến động: dân số tăng tự nhiên (chênh lệch giữa số sinh và số chết), di cư từ nông thôn ra thành phố (thường gọi là di dân nông thôn), hiện tượng sắp xếp lại các đơn vị hành chính (từ nông thôn, ngoại thành chuyển thành đô thị, nội thành). Trong 3 biến động này, nếu không có quá trình nhập cư với tốc độ cao thì đô thị hiện đại không thể thực hiện vai trò là trung tâm đa chức năng của một khu vực rộng lớn.
Quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa làm thay đổi lối sống, nếp sống. Nhịp sống thời công nghiệp thay thế nhịp sống nông nghiệp, nông thôn; các mối quan hệ trong xã hội đô thị cũng thay thế quan hệ làng xã cổ truyền... Tất cả góp phần tạo nên văn hóa đô thị hiện đại. Văn hóa đô thị phản ánh những ứng xử của cộng đồng người sống trong môi trường xã hội có sự khống chế về không gian nhưng về dân cư thì luôn có xu hướng tăng nhanh và mang tính bất thường; đồng thời, tính chất dân cư đa dạng về văn hóa nói chung, về lối sống, ngôn ngữ, ẩm thực... nói riêng.
Trong không gian đô thị, từng cá nhân và từng gia đình ít bị ràng buộc bởi các mối quan hệ chằng chịt như ở thôn quê. Ở nông thôn, những con người, gia đình có khi vừa là quan hệ huyết thống vừa là láng giềng lại vừa có cùng lợi ích kinh tế (cùng làm nông nghiệp hay một nghề thủ công nào đó chẳng hạn)…; do đó tính cộng đồng cao hơn.
Còn ở đô thị, mối quan hệ cùng lợi ích kinh tế/cùng nghề nghiệp là quan hệ chính (buôn có bạn, bán có phường) hoặc quan hệ chính trị - xã hội như cùng giai cấp/đẳng cấp/sở thích, các hoạt động xã hội... Quan hệ huyết thống vẫn duy trì nhưng chủ yếu là gia đình nhỏ, không phổ biến "dòng họ, bà con"; quan hệ "hàng xóm láng giềng" trở thành thứ yếu, nhất là ở nơi cư trú hiện đại như chung cư cao cấp, biệt thự hay khu đô thị mới. Lối sống công nghiệp (giờ hành chính, làm theo ca kíp, ngày cuối tuần là thời gian của gia đình riêng hoặc của cá nhân...) cũng làm cho các mối quan hệ xã hội đô thị được củng cố.
Vì vậy, quan hệ của dân cư đô thị là làm sao vừa giữ được tính truyền thống trong sự quan tâm giúp đỡ nhau, đồng thời cũng cần giữ "khoảng cách" nhất định để tôn trọng cá nhân và không gian riêng của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng nhỏ hơn (cùng tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp, sở thích, đồng hương…). Các thành viên sống trong cùng cộng đồng có mối liên hệ phổ biến hơn. Mức độ, quy mô cộng đồng ảnh hưởng đến mối quan hệ của từng cá nhân. Ngược lại, những mối quan hệ cá nhân cũng tác động đến quan hệ trong cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Cũng cần lưu ý cả mối quan hệ trên mạng xã hội - tuy "ảo" nhưng là một môi trường giao tiếp phổ biến, thuận tiện cho thị dân hiện đại và cũng có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng.
Từng cộng đồng và toàn bộ xã hội đô thị có sự liên kết nội tại không chỉ do các quy tắc, luật lệ của nhà nước mà còn do quan hệ truyền thống như là nét văn hóa đặc trưng. Với "người Sài Gòn - TP HCM", quan hệ cá nhân - cá nhân, cộng đồng - cá nhân luôn thể hiện sự tương thân tương ái, khoan dung, cởi mở, nghĩa tình... Vì vậy, từng cá nhân cần duy trì và nuôi dưỡng những tính cách đó để bảo toàn đặc trưng văn hóa, cũng là phẩm chất tốt đẹp của "người Sài Gòn - TP HCM".
Muốn vậy, trong từng cộng đồng nhỏ (nơi cư trú, công sở, hội - đoàn xã hội...), ứng xử thẳng thắn, chân tình, khoan dung là điều kiện xây dựng sự đoàn kết, thuận thảo. Có ý thức trách nhiệm với môi trường sống (môi trường tự nhiên và nhân văn, như kênh rạch, cây xanh, công trình công cộng...) và cộng đồng (gia đình, chung cư, khu phố, công sở...), thực hành các giá trị xã hội được công nhận (luật pháp, luật lệ, những quy tắc đạo đức)... Khi mỗi người có ý thức thì quan hệ cộng đồng tốt đẹp, đó chính là "mình vì mọi người, mọi người vì mình".
Với “người Sài Gòn - TP HCM”, quan hệ cá nhân - cá nhân, cộng đồng - cá nhân luôn thể hiện sự tương thân tương ái, khoan dung, cởi mở, nghĩa tình... Trong ảnh: Tủ bánh mì miễn phí Hạnh Phúc dành cho người khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vai trò của chính quyền đô thị rất quan trọng
Những người có chức trách "quản lý đô thị" từ thành phố, quận - huyện đến cơ sở phường - xã có trách nhiệm và thực hiện tốt chức trách. Xây dựng "công dân kiểu mẫu" trước hết là từ công chức, viên chức bởi vì đây là tầng lớp (một cộng đồng) chủ yếu của đô thị. Chính quyền đề ra, ban hành những quy tắc, luật lệ phù hợp sinh hoạt và vận hành của đô thị hiện đại. Tạo điều kiện để những yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp (tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau) được duy trì và phát triển thích nghi với hoàn cảnh mới. Văn minh đô thị là phản ánh trình độ khoa học quản lý, mối quan hệ trong cộng đồng phản ánh tính nhân văn của đô thị.
Lối sống, văn hóa đô thị được hình thành qua nhiều thế hệ thị dân. Tuy nhiên, khi đô thị chịu nhiều biến động, có những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư trong thời gian ngắn thì không kịp di truyền và củng cố lối sống thị dân và văn hóa đô thị. Vì vậy, giữ cho đô thị không bất ổn lớn về số lượng và tính chất dân cư; ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội thì tránh được những bất ổn về tâm lý, lối sống, văn hóa… Đây chính là một trong những cách thức nhằm bảo vệ văn hóa đô thị - điều kiện quan trọng để đô thị phát triển bền vững.
Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019, TP HCM có gần 9 triệu người, có mặt hầu hết người của 54 dân tộc ở Việt Nam và một số ngoại kiều. Bên cạnh đó, người nhập cư ước tính có khoảng 5 - 6 triệu người thường xuyên lao động và sinh sống tại thành phố.
Kỳ tới: Cần chính quyền kiểu mẫu