Nhiều quốc gia ghi nhận các sự việc gây rúng động liên quan đến sữa giả, khiến trẻ em mắc bệnh lạ, phải nhập viện, thậm chí mất mạng.
Trung Quốc: Sữa nhiễm melamine, tuyên án tử hình 2 người
Năm 2008, Trung Quốc trải qua vụ bê bối an toàn thực phẩm nghiêm trọng khi các sản phẩm sữa, đặc biệt là sữa bột trẻ em, bị phát hiện nhiễm melamine - hóa chất công nghiệp độc hại.
Vụ việc khiến ít nhất sáu trẻ em tử vong và hơn 300.000 trường hợp mắc bệnh. Vụ bê bối này làm dấy lên lo ngại toàn cầu về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng tại Trung Quốc.
Một trong hai người (áo vàng) bị tuyên tử hình vì sữa chứa chất độc. (Ảnh:China Daily)
Theo The Guardian, hơn 50.000 trẻ sơ sinh phải nhập viện vì các vấn đề về thận sau khi uống sữa bột của công ty Tam Lộc bị nhiễm melamine - hóa chất thường được sử dụng trong sản xuất nhựa và phân bón.
Các nhà điều tra cho biết, những người trung gian mua sữa từ nông dân và bán lại cho các nhà máy đã pha loãng sữa và trộn thêm melamine để làm tăng giả tạo hàm lượng protein trong các bài kiểm tra chất lượng.
Tháng 1/2009, Zhang Yujun (40 tuổi) là nhân viên bán sữa và ông Geng Jinping (người nông dân sản xuất sữa) bị kết án tử hình vì sản xuất và bán hơn 600 tấn bột protein chứa melamine. Trong khi đó, bà Thiên Văn Hoa, cựu giám đốc điều hành của công ty sữa Tam Lộc (Sanlu), bị kết án tù chung thân.
Sau vụ bê bối, Công ty Tam Lộc phá sản và nợ khoảng 293 triệu USD.
Đến năm 2011, Chính quyền Trung Quốc tiếp tục bắt giữ hàng chục người và tịch thu một lượng lớn sữa bột nguy hiểm trong nỗ lực mới nhất nhằm loại bỏ các sản phẩm nhiễm melamine đã giết chết sáu trẻ em và khiến hàng trăm nghìn người khác bị bệnh vào năm 2008.
Sữa nhiễm melamine tại Singapore (2008)
Cũng trong năm 2008, Singapore phát hiện một số sản phẩm sữa bột và bánh kẹo chứa melamine nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính quyền Singapore đã thu hồi các sản phẩm này và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những vụ bê bối này gây chấn động dư luận và làm dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện hệ thống giám sát an toàn thực phẩm, bao gồm việc sửa đổi Luật An toàn Thực phẩm và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Ấn Độ xử lý 500 lít sữa giả bằng hóa chất độc hại
Tháng 2/2025, một vụ bắt giữ gần đây tại thành phố Bulandshahr, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, phát hiện một doanh nhân sản xuất 500 lít sữa giả bằng cách sử dụng hóa chất độc hại. Doanh nhân này bị bắt giữ và bị cáo buộc bán sữa và paneer giả trong suốt 20 năm qua.
Giới chức ấn độ phát hiện một doanh nhân sản xuất 500 lít sữa giả bằng cách sử dụng hóa chất độc hại.
Theo các quan chức, người này pha trộn các hóa chất như caustic potash, bột whey, sorbitol, bột sữa thẩm thấu và dầu đậu nành tinh luyện để tạo ra sữa giả. Chỉ với 5ml hỗn hợp hóa chất, ông ta có thể sản xuất lên đến 2 lít sữa giả.
Để làm cho sữa giả không thể phân biệt được với sữa thật về màu sắc, mùi vị và kết cấu, ông ta thêm các chất tạo hương liệu và chất tạo ngọt đã hết hạn sử dụng từ hai năm trước.
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột. 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... đã được 2 công ty trên sản xuất, bán ra thị trường, đem lại doanh thu gần 500 tỷ đồng trong khoảng 4 năm.