Theo ông Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), dân gian xưa vẫn có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đó là minh chứng cho những điều kiêng kị người dân đặt ra cho mình để tránh những xui xẻo.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người đều vui vẻ, mong muốn đón những điều tươi mới, tốt đẹp trong năm mới, do đó, rất nhiều điều kiêng kị được người dân đặt ra. Những điều này chưa được khoa học chứng minh nhưng là liệu pháp tâm lý giúp người dân vui vẻ, an tâm đón Tết.
Dưới đây là một số điều kiêng kị trong dịp năm mới theo phong tục dân gian.
Quét nhà, đổ rác vào mùng 1 Tết
Người Việt kiêng quét nhà, đổ rác ngày đầu năm mới (ảnh minh họa)
Kiêng quét nhà, đổ rác là điều dễ thấy ở nhiều gia đình người Việt trong dịp Tết. Theo quan niệm xưa, ngày mùng 1 Tết quét nhà, đổ rác là sẽ đuổi Thần Tài ra khỏi nhà, từ đó tiền tài không thể tới với gia đình. Nếu có quét nhà, rác cũng phải để ở một góc nhà và không được hốt rác đổ đi.
Cho người khác lửa, nước đầu năm
Cho lửa đầu năm là cho đi sự may mắn nên người Việt thường kiêng
Lửa theo phong thủy là tượng trưng cho sự may mắn còn nước tượng trưng cho tài lộc luôn chảy vào trong gia đình.
Nếu như vào đầu năm mới, bạn cho lửa hoặc nước nghĩa là bạn cho đi sự may mắn, tài lộc của bản thân và gia đình. Vì vậy, những ngày đầu năm người ta thường kiêng cho mượn bật lửa, hộp quẹt hay cho nước người khác.
Cãi vã, giận hờn
Không cãi vã đầu năm mới để tránh một năm bất hòa, chia rẽ (Ảnh minh họa: Gia đình và xã hội)
Tết là dịp gia đình sum họp, anh em, bạn bè gặp gỡ. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện sự gắn kết, yêu thương nhau... do đó, sự cãi vã, hiểu lầm, hờn giận nhau là điều không nên. Sự cãi vã, giận hờn là điềm báo cho một năm mới gia đạo lộn xộn, chia rẽ.
Nói lời xui rủi
Trong ngày Tết, mọi người có dịp ngồi nói chuyện, tán gẫu với nhau. Tuy nhiên, cần tránh nhắc tới bệnh tật, thua lỗ, sự thiếu hụt hay mất mát... để tâm trạng con người không bị chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực. Thay vào đó, chúng ta nên nói những chuyện vui vẻ, tích cực, dư dả...
Làm đổ vỡ đồ dùng
Người dân hạn chế tối đa việc làm đổ vỡ đồ dùng gia đình vào dịp năm mới (Ảnh minh họa: TPO)
Ông cha ta rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ly tách, gương… trong ngày đầu năm vì đổ vỡ đó như báo hiệu sự chia cắt, đứt lìa, điều không thuận lợi trong các mối quan hệ trong năm mới.
Vay mượn hay đòi nợ
Dân gian kiêng vay mượn hay đòi nợ đầu năm để tránh rơi vào cảnh túng thiếu
Đầu năm mới kiêng vay tiền, đòi nợ tiền bạc. Như vậy sẽ báo hiệu một năm đi vay rồi đi trả của mình, cả năm sẽ không thu được tiền tài vào nhà, rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần.
Bên cạnh đó, nếu cho vay tiền đầu năm còn được quan niệm như "dâng" tài lộc của chính bản thân mình cho người khác.
Quan hệ nam nữ đầu năm
Vào đầu năm, dân gian kiêng quan hệ nam nữ vì quan niệm rằng, nó mang đến vận hạn kém may mắn cho mình.
Người có tang không nên xông đất
Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đầu năm vô cùng quan trọng đối với gia chủ. Đây sẽ là người ảnh hưởng tới sự may mắn, tài lộc trong cả năm của gia đình.
Những người gia đình có tang mà đi xông đất sẽ đem đến vận xui, điềm xấu cho gia đình khác. Chính vì vậy, những người có tang nên tránh xông đất, đi chúc Tết hay thăm hỏi gia đình khác.
Kiêng cắt tóc
Theo dân gian, cắt tóc đầu năm mới là cắt đi sức khỏe và sự may mắn
Cắt tóc cũng là một trong những việc kiêng kị ngày đầu năm. Vì ông bà ta quan niệm, tóc tai là gắn liền với con người, đại diện cho sức khỏe, nếu cắt tóc ngày đầu năm sẽ cắt đi vận may và sức khỏe.
Đồ ăn gắn liền với sự đen đủi
Thịt chó và một số thức ăn khác được coi là sự không may mắn nên người dân không ăn vào dịp Tết
Dân gian hay quan niệm những đồ ăn như thịt chó, mực, thịt vịt, cá mè, ốc… gắn liền với những điều không may mắn. Vì vậy, trong 3 ngày Tết nhiều người không ăn những món ăn này để tránh đen đủi trong suốt cả năm.