Tết đến xuân về người ta hay nhắc đến "Tống cựu nghinh tân", nhưng có lẽ nhiều người chưa hiểu hết được ý nghĩa thực sự của điều này ngoài việc bỏ cũ, đón mới.
"Tống cựu nghênh tân" hay "Tống cựu nghinh tân" nghĩa là tiễn quan Hành khiển của năm cũ đi, rước quan Hành khiển của năm mới về. Tục xưa tin rằng, 12 con giáp sẽ có 12 vị quan Hành khiển tương đương với năm ấy, đi hết một vòng sẽ quay lại từ đầu.
Cúng giao thừa ngoài trời - Tiễn cũ, đón mới
Trong An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển có nhắc đến tục này: ""Giao thừa tế thần Hành khiển cũ và thần Hành khiển mới năm ấy", gọi là "tống cựu nghênh tân". Tất niên và Nguyên đán, người ta ăn mặc chỉnh tề, sửa soạn cỗ bàn, chè rượu cúng ở từ đường"".
Trong cuốn Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả Tân Việt có nói thế này: “Các cụ quan niệm, mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật… Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam… thì hạ giới chịu mọi thứ khổ”.
Cúng giao thừa ngoài trời là một nghi thức không thể thiếu được trong Tết cổ truyền.
“Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được, thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì".
“Chính phút giây ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt”.
Cúng giao thừa ngoài trời chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp của Tết cổ truyền
Cứ như vậy, với ý nghĩa sâu sắc được truyền lại từ phong tục xưa, mỗi nhà đều chuẩn bị mâm cỗ ngoài trời chu đáo để tiễn quan Hành khiển năm cũ và đón quan Hành khiển năm mới. Sau khi thực hiện xong thì mới cung Thần linh, Gia tiên trong nhà.
Chẳng ai bảo ai, không khí vào khoảnh khắc ấy thật thiêng liêng và nghiêm cẩn. Người ta tạ ơn những gì tốt đẹp năm cũ để lại và chào đón những hy vọng tươi sáng của năm mới sắp đến.
Cúng giao thừa ngoài trời thể hiện tấm lòng thành của người dân đối với đất trời, sự tin tưởng, ngưỡng vọng vào một năm mới yên bình và may mắn.
Cúng đêm giao thừa, người ta cũng gọi là Lễ Trừ tịch, nghĩa là trừ bỏ, tống tiễn đi những điều xấu, điều cũ kỹ, điều không may của năm cũ và sửa soạn cõi lòng để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Người ta chuẩn bị những mâm cúng đủ đầy, có xôi gấc đỏ, có gà trống luộc cánh tiên ngậm bông hoa hồng, hoa trái, trầu cau và thành tâm kính cáo vị thần Hành khiển.
Những tục xưa trong Tết cổ truyền nhằm đưa tiễn những điều cũ, rũ bỏ những điều xui để đón một năm mới bình an, tốt đẹp hơn. Tục cũng giao thừa ngoài trời cũng vậy, lễ to hay nhỏ không quan trọng bằng việc gia chủ gửi gắm những ước muốn thành tâm và loại bỏ những tạp niệm để sẵn sàng hướng về năm mới, năm Quý Mão 2023 nhiều cơ hội và thành công.