Ngày 20-1, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 67,5 triệu đồng/lượng mua vào, 68,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 700.000 đồng/lượng so với hôm qua. So với đầu năm, giá vàng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng sau khi đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng trong năm 2022.
Vàng SJC "bất động" dù thế giới tăng sốc
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 54,6 triệu đồng/lượng mua vào, 55,6 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 1,6 triệu đồng/lượng so với hồi đầu năm nay, sau khi chỉ tăng khoảng 1,1 triệu đồng/lượng trong cả năm 2022.
Mức tăng của giá vàng SJC khoảng 8,45%, ngang với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn từ 6-9 tháng ở thời điểm hiện tại. Nhưng nếu so với đà tăng của giá vàng thế giới, vàng SJC đang có diễn biến khá "lạ" trong những tháng cuối năm.
Giá vàng SJC duy trì quanh vùng 67 triệu đồng/lượng trong nhiều tháng qua, bất chấp giá vàng thế giới tăng mạnh vượt 1.900 USD/ounce
Cụ thể, giá vàng thế giới đã có chuỗi bứt phá mạnh mẽ trong những tháng cuối năm khi tăng một mạch từ vùng 1.650 USD/ounce lên vượt 1.900 USD/ounce khi chốt phiên giao dịch cuối của năm 2022. Đổi lại, giá vàng SJC không tăng kịp và nhiều thời điểm còn "bất động".
Như thời điểm cuối tháng 10-2022, giá vàng thế giới ở vùng 1.650 USD/ounce, vàng SJC cũng được giao dịch quanh 67 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới lên tới 1.921 USD/ounce, tăng 270 USD/ounce (tương đương mức tăng 16,5%). Trong khi đó, vàng SJC vẫn tiếp tục giao dịch quanh 67,9 triệu đồng/lượng, chỉ tăng 900.000 đồng mỗi lượng so với hồi cuối tháng 10.
Diễn biến "lạ" này giúp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp đáng kể từ vùng khoảng 16-17 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 12-13 triệu đồng/lượng. Nhưng với nhà đầu tư, nắm giữ vàng là "nỗi buồn" nhiều hơn niềm vui.
Và xu hướng bất ngờ trong những tháng cuối năm, là có không ít nhà đầu tư bán ra vàng SJC, vàng trang sức, vàng nhẫn 24K để chuyển sang gửi tiết kiệm khi lãi suất huy động xấp xỉ 10%/năm…
"Cửa hẹp" đầu tư lướt sóng vàng
Một số chủ tiệm vàng ở TP HCM cho biết nhu cầu mua vàng trang sức, vàng nhẫn và vàng SJC thường tăng cao dịp cuối năm so với ngày thường hoặc nhu cầu mua vàng SJC để tích trữ là luôn có, nhưng năm nay lại khác. Khoảng 3 tháng cuối năm 2022 là giai đoạn trầm lắng của thị trường vàng, nhu cầu giao dịch rất thấp và thậm chí "cứ 10 người đến giao dịch vàng thì có 7 người bán", như lời một chủ tiệm vàng kể.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích không hẳn người dân "chê" vàng SJC mà bởi vùng giá 66-67 triệu đồng/lượng được neo giữ suốt thời gian qua là vùng định giá cao, thậm chí "giá ảo" của vàng SJC nên không ai mặn mà tham gia. Cùng là vàng 24K, chỉ khác thương hiệu, nhưng vàng nhẫn, vàng trang sức được giao dịch quanh 54-55 triệu đồng/lượng trong khi vàng SJC luôn duy trì vùng 66-67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K tăng mạnh nhưng nhu cầu cũng không quá cao, đặc biệt, rất ít cơ hội lướt sóng vàng SJC trong bối cảnh giá vàng "bất động" những tháng cuối năm
"Trong khi giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K đang tiệm cận giá thế giới, thậm chí ngang bằng nếu quy đổi theo giá USD tự do thì giá vàng SJC vẫn cao hơn rất nhiều. Do đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại nếu nắm giữ vàng SJC có thể rủi ro trong trường hợp cơ quan quản lý có chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC. Vì vậy, rất nhiều người chưa vội mua vàng và đứng ngoài cuộc, nhất là trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm an toàn, hấp dẫn hơn" – ông Trần Duy Phương nói.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải cũng nhận định giá vàng trong nước năm 2023 sẽ khó có đột biến nếu chính sách quản lý thị trường vàng vẫn duy trì như hiện tại, đặc biệt là khi lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao và hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Liên quan đến chính sách quản lý đối với vàng, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường vàng theo nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điều này nhằm duy trì sự ổn định, bền vững trên thị trường vàng, hạn chế tác động của giá vàng đến sự ổn định của tỉ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đánh giá tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP để tham mưu, đề xuất Chính phủ quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Vì sao giá vàng nhẫn 24K tăng nhanh?
Lý giải nguyên nhân vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tăng nhanh và mạnh hơn vàng SJC trong những ngày đầu năm, một số chuyên gia phân tích cho biết giá vàng nhẫn đang biến động sát với giá vàng thế giới. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 54,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng nhẫn chưa tới 1 triệu đồng/lượng. Tính cả chi phí nhập khẩu, phí gia công… giá vàng nhẫn sẽ gần ngang bằng với giá thế giới.
Nếu không điều chỉnh giá vàng nhẫn tăng theo giá thế giới mà giữ nguyên có thể xuất hiện tình trạng gom vàng nguyên liệu 24K xuất khẩu ra nước ngoài để hưởng chênh lệch. Vì vậy, việc giá vàng nhẫn tăng mạnh những ngày qua không hẳn do nhu cầu mua vàng tăng cao mà chủ yếu nhằm điều chỉnh biến động cùng nhịp với thế giới.