Lửa thử vàng, gian nan thử sức - đó là câu chuyện của chị Lê Thị Ngọc Thanh (xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Chị Thanh chia sẻ chồng chị hiện chạy xe ôm, con trai nhỏ nghỉ học từ lớp 9 đang làm công nhân, còn cô con gái lớn vừa vào đại học. Đợt dịch kéo dài, kinh tế gia đình sa sút, chị phải từ bỏ công việc buôn trái cây chuyển sang trồng cây lâu năm và mở thêm quán nước trên đường quốc lộ để trang trải.
Cuộc sống khó khăn, tuy nhiên vào những ngày dịch căng thẳng nhất, chị vẫn tự nguyện nấu các bữa ăn để ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch của xã. Cảm động trước tấm lòng của chị Thanh, nhiều bà con ở địa phương cũng chung tay đóng góp buồng chuối, bó rau, củ khoai... để chị nấu gửi tặng anh em. "Mình khổ thì còn có người khổ hơn, nên giúp được ai tôi sẽ ráng giúp", chị Thanh chia sẻ.
Khi dịch tạm lắng, chị Thanh quyết tâm làm kinh tế với mô hình nuôi ếch. Chị chủ động nhờ Hội Nông dân tư vấn. Trở ngại nguồn vốn cũng dần tháo gỡ khi chị Thanh được chương trình "Tiếp sức nhà nông" hỗ trợ. Nhận được sự đào tạo, chương trình tập huấn từ chuyên gia và Greenfeed - đơn vị tổ chức chương trình, chị nhanh chóng chuyển đổi mô hình chăn nuôi. "Cuộc sống tuy không được như ý nhưng chưa bao giờ làm tôi bỏ cuộc, ngược lại phải tự nhắc mình kiên trì và chịu khó", chị Thanh cho biết.
Cũng là một trong những nhân vật nhận hỗ trợ từ chương trình "Tiếp sức nhà nông" 2021, chị Trần Thị Thành (xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ một ngày của chị bắt đầu từ 2h sáng; vừa làm đồng áng, vừa lo cơm nước, chăm sóc hai con nhỏ. Khoản tiền ít ỏi chị chắt chiu đều dành phần lớn chữa bệnh tim của con. Năm vừa rồi, vườn thanh long lỗ nặng, đàn gà của gia đình cũng mất trộm, kinh tế lại thêm phần khốn khó. Nguồn thu của gia đình phụ thuộc hết vào vườn rau nhỏ và tiền vay mượn từ địa phương.
Không bỏ cuộc, chị Thành ấp ủ dự định mở rộng quy mô đàn gà, kiếm thêm thu nhập để nuôi các con. Chị kể nhiều đêm trằn trọc, chỉ mơ về một đàn gà hàng chục, hàng trăm con, gây vốn lo cho các con. "Hai đứa rất hiểu chuyện và cảm thông với mẹ nên chỉ cần các con khỏe mạnh, học giỏi thì tôi có cực mấy cũng không sao", chị nói.
Niềm tin về ngày mai tươi sáng chị Thành như được bồi đắp khi chị nhận được hỗ trợ từ chương trình "Tiếp sức nhà nông". Với số vốn và kiến thức, kỹ năng từ chương trình, giờ đây, vườn trại trù phú - vốn chỉ là giấc mơ của chị đã dần rõ nét.
Chị Thanh và chị Thành chỉ là hai trong nhiều phụ nữ nông thôn giàu nghị lực, ý chí được giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống thông qua chương trình "Tiếp sức nhà nông" do Greenfeed Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức. Bằng việc hỗ trợ vay vốn không lãi suất, chi phí thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trao học bổng cho con em các hộ gia đình, sau hơn 10 năm, chương trình đã đồng hành cùng hơn 2.400 hộ nông dân tại 16 tỉnh thành trên cả nước trên hành trình thoát nghèo bền vững. Tổng nguồn quỹ của chương trình dùng làm nguồn vốn hỗ trợ hơn 68 tỷ đồng, số hộ thoát nghèo tính đến hiện tại đạt 447 hộ, số hộ xác nhận làm ăn hiệu quả là 1.340 hộ.
Theo đại diện ban tổ chức chương trình, dẫu còn lắm lo toan, nhiều phụ nữ nông thôn vẫn luôn nuôi dưỡng sự lạc quan, chăm chỉ để vươn lên làm kinh tế, tự viết lên câu chuyện của chính mình. Đây cũng là động lực để Greenfeed duy trì chương trình "Tiếp sức nhà nông" trong nhiều năm qua, từ đó lan tỏa thông điệp "Nuôi dưỡng điều lành, đồng hành lớn mạnh" trong cộng đồng.