Cá cóc gờ sọ mảnh là một trong những loài cá cóc rực rỡ nhất, được các nhà bảo tồn tìm thấy ở Điện Biên và Sơn La trong một vùng phân bố khá hẹp. Trên thế giới, chúng chỉ được ghi nhận ở Thái Lan và Lào.
Loài cá này sống gần các ao và vũng nước đọng trong rừng thường xanh núi cao, thường ẩn mình dưới các khúc gỗ mục, tảng đá có nhiều lá rụng, ẩm cách suối từ 2-200m.
![]() |
Loài Cá cóc gờ sọ mảnh. |
Số lượng loài suy giảm nhanh ngoài tự nhiên khiến các nhà bảo tồn rất hiếm gặp chúng trong tự nhiên, đưa chúng vào nhóm nguy cấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do sinh cảnh sống của loài bị suy thoái bởi các hoạt động làm đường, khai thác lâm sản, chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, hiện chưa ghi nhận thông tin về việc sử dụng và buôn bán loài.
Một loài Cá cóc khác cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là Cá cóc zig-lơ, chỉ được ghi nhận ở Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang. Trên thế giới, loài được ghi nhận thêm ở Trung Quốc.
Do bị săn bắt và buôn bán làm sinh vật cảnh cùng môi trường sống bị suy thoái, số lượng loài trong tự nhiên giảm nhanh, các nhà bảo tồn chỉ gặp một số lượng ít cá thể ở các ao và vũng nước đọng trong rừng thường xanh núi đất thấp vào mùa sinh sản.
![]() |
Loài Cá cóc zig-lơ. |
Các nhà khoa học cho rằng, sinh cảnh sống của loài bị chia cắt và suy thoái bởi tác động của các hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác lâm sản và xâm lấn đất rừng, cần có các giải pháp bảo vệ sinh cảnh sống của loài trong tự nhiên.
Cá cóc Việt Nam là loài đặc hữu, chỉ phân bố ở nước ta. Các khu vực ghi nhận sự tồn tại của loài cá đặc biệt này là Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh, trên một vùng phân bố rất hẹp.
Cũng như Cá cóc zig-lơ, loài này bị săn bắt và buôn bán làm sinh vật cảnh, dược liệu nên đối mặt với sự suy giảm nhanh, thuộc nhóm nguy cấp với số lượng loài ngoài tự nhiên rất ít ỏi.
![]() |
Loài Cá cóc Việt Nam |
Loài vật đặc hữu của Việt Nam cũng đối mặt với sinh cảnh sống đang bị thu hẹp, suy thoái do tác động của các hoạt động khai thác than, khai thác lâm sản, xâm lấn đất rừng để canh tác nông nghiệp và phát triển du lịch. Vì vậy, tình trạng suy giảm càng nghiêm trọng.
Cá cóc Quảng Tâyđược các nhà bảo tồn bắt gặp dọc các suối đá nước chảy trong rừng thường tại hai tỉnh Cao Bằng và Quảng Ninh. Loài này thuộc nhóm sắp nguy cấp với vùng phân bố khá hẹp. Trên thế giới, chúng còn được tìm thấy tại Trung Quốc.
![]() |
Loài Cá cóc Quảng Tây. |
Do bị người dân địa phương săn bắt làm thuốc cổ truyền, đồng thời đối mặt với sinh cảnh sống bị ảnh hưởng bởi khai thác lâm sản, xâm lấn đất rừng làm nông nghiệp nên loài cũng đối mặt với nguy cơ suy giảm trong tự nhiên.
Một loài cá cóc đáng chú ý khác là Cá cóc sparreboom, chỉ tìm thấy ở Lai Châu với một điểm ghi nhận duy nhất. Trên thế giới cũng chưa ghi nhận loài này.
Đây là loài cực kỳ hiếm gặp với xếp loại nguy cấp. Các nhà khoa học chỉ tìm thấy một số lượng ít cá thể ở các ao và vũng nước đọng trong rừng thường xanh núi cao trên 1.600 m vào mùa sinh sản.
![]() |
Loài Cá cóc sparreboom. |
Các nhà bảo tồn đề xuất, cần bảo vệ sinh cảnh sống của loài trong tự nhiên, tuyên truyền nhằm hạn chế tác động đến sinh cảnh sống của loài. Đồng thời, nghiên cứu về phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái và đánh giá quần thể để đưa ra các khuyến nghị đối với công tác bảo tồn.