Vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 9/7, Vance Lee và Andy Le lập tức lên xe đi Kiên Giang để kịp khánh thành cầu Giác ngộ ở xã Đông Hòa, huyện An Minh vào ngày hôm sau. Cây cầu dài 23 mét, tải trọng hai tấn, xây bằng tiền tiết kiệm của vợ chồng cô từ nay sẽ giúp hàng nghìn người dân đôi bờ đi lại.
"Tôi bất ngờ khi có những cụ lớn tuổi nói cả đời chỉ có một ước mơ là đi ngang một cây cầu mới", Vance Lee, 38 tuổi, chia sẻ.
Sống ở Houston, bang Texas từ năm ba tuổi, Vance Lee (tên tiếng Việt là Hà Lan) luôn trăn trở tìm về nguồn cội. Trước đây cô chỉ ấp ủ ý tưởng mà không nghĩ đến hành động, vì các con còn nhỏ, cuộc sống chưa ổn định và cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Năm 2016, ông xã Andy Le bị thất nghiệp. Người vợ cầu mong cho chồng học hành đến nơi đến chốn để có được chỗ làm tốt, cô nhất định sẽ trả ơn. Cuối cùng anh xin được vào làm trong một hãng dầu. "Lời đã hứa phải thực hiện", cô nói.
Mùa hè năm ấy, Vance Lee lần đầu trở về Việt Nam cùng đứa con út chưa đầy tuổi và toàn bộ khoản tiết kiệm 3.500 USD. Mong muốn tặng nguyên vẹn số tiền này cho người nghèo, cô phải tiết kiệm ăn ở, đi lại.
Suốt những ngày lần đầu về quê hương đó, người mẹ trẻ cũng bồng con ngồi xe ôm đi khắp các ngóc ngách từ 10h đến 23h. Cô tặng tiền cho những người già lang thang ở vỉa hè, gầm cầu Sài Gòn rồi bay đi Đà Nẵng tặng sữa, bỉm cho các em ở cô nhi viện.
Chuyến đi đầu nhiều bỡ ngỡ, không biết đầu mối nào cần giúp đỡ, nên phải tự tìm rất cực. Con lại không thể gửi cho ai. Đã có lúc trên đường em bé sốt cao khiến người mẹ hoài nghi chính mình. "Tôi đã trách sao mình điên quá. Nhưng phút yếu lòng đó qua nhanh vì nghĩ mình đang đi làm việc tốt, dù có làm sao cũng không ân hận", cô chia sẻ.
Thành công của chuyến đi là đã trao hết những gì mình có đến đúng người. Con gái cô đã đi được những bước đi đầu tiên trên nơi chôn rau cắt rốn của mẹ. Chào đón hai mẹ con trở về là những cái ôm hôn của chồng và hai con trai.
Anh Andy Le, 40 tuổi, kể trên xe trở về nhà vợ nói không ngừng về Việt Nam, qua đó anh thấy hình ảnh đất nước, con người Việt trở nên xinh đẹp. Andy sinh ra và lớn lên ở Mỹ, có cha mẹ là người Việt nhưng bố mẹ anh đã qua đời nên mối liên hệ với Việt Nam gần như đã mất. Sự hứng thú của vợ với quê cha đất tổ khiến anh tò mò.
"Vợ nói con người sống phải có trước có sau, nếu người nào không nhớ cội nguồn, đã mất đi nửa phần trước", anh chia sẻ.
Ba năm sau, Andy về Việt Nam cùng vợ và khoản tiết kiệm 6.000 USD. Lần này họ không đơn độc, mà có chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, của Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP HCM giúp thực hiện ước mơ.
Điểm dừng chân đầu tiên là một ngôi trường ở Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Gia đình đã tặng quà cho 300 em nhỏ. Có những em đi bộ 3 km đến nhận quà trên đôi chân trần. Nhiều em tóc cháy vàng vì dãi nắng làm việc phụ giúp gia đình.
Ngoài đồ dùng học tập, dép, những đứa trẻ còn được nhận kẹo. "Nhiều em chưa từng được ăn một viên kẹo. Tôi không biết các em hay con tôi bị sốc hơn. Nhưng dù thế nào cả hai bên đều rất vui vẻ với trải nghiệm đó", Vance Lee chia sẻ.
Tại Bến Tre, cả gia đình mất hơn 30 phút di chuyển trên một con đường ruộng lầy lội, ai cũng trượt ngã. Điểm đến của họ là một căn nhà lá nằm heo hút, đơn độc cuối cánh đồng. Nơi đó cô bé Kiều có đôi mắt long lanh như hòn bi ve, sống cùng cha mẹ nghèo, bệnh và hai đứa em.
"Các con của tôi đã khóc vì chưa bao giờ đi con đường đáng sợ đến vậy. Khi gặp Kiều, các con ám ảnh, không thể tin được người bạn bằng tuổi mình phải ngày ngày đi bộ qua con đường đó đến trường", Vance Lee kể. Gia đình cô và chương trình đã hỗ trợ nhà bé Kiều mua đất và xây nhà mới ở gần đường lớn.
Hành trình của gia đình kết thúc với buổi trao tặng ánh sáng cho 50 bệnh nhân lớn tuổi mổ đục thủy tinh thể. Vance Lee kể, lúc đầu các cụ rất rụt rè, mãi tới khi cô đứng trước mặt họ, nói lý do tại sao mình ở đây. "Con hứa sẽ không bao giờ ngừng cố gắng giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh tương tự. Con yêu các bác như cha mẹ của con", cô gái nói.
Bỗng nhiên mọi người trong phòng bắt đầu khóc. Vance Lee cũng vậy. Cô đến ôm từng người nói lời từ biệt, thay vì một cái vẫy tay chào.
Trên chuyến bay trở về, anh Andy nói cảm ơn vợ vì anh chưa bao giờ làm những việc ý nghĩa như vậy. "Cuộc đời anh trước đây đi làm mười mấy tiếng mỗi ngày, không bao giờ nghĩ có thể đi giúp đỡ người khác. Cảm ơn em đã mở ra cho anh chân trời mới", người chồng nói.
Chị Hồng Thúy, nhà báo của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt cho biết Vance Lee tìm đến chương trình năm 2019, ủng hộ 6.000 USD không một chút đắn đo.
Năm nay, kế hoạch ban đầu là giúp mổ mắt, xây nhà hoặc tặng quà cho trẻ mồ côi. Nhưng Hồng Thúy biết cô gái ở bên kia đại dương muốn được xây một cây cầu hơn cả. Nhiều tháng ròng hai chị em nhắn tin trao đổi, Vance Lee trăn trở nên tiết kiệm triệt để hơn và vận động mọi người ủng hộ, nhiều lúc tưởng như mục tiêu không thể đạt được.
"Tôi xúc động rơi nước mắt khi vào một đêm khuya, Vance Lee báo đã vận động được bạn bè góp đủ 200 triệu đồng xây cầu rồi", nhà báo Hồng Thúy cho biết.
Điều Hồng Thúy và ekip chương trình trân trọng là vợ chồng Vance Lee không giàu. Cô là một thợ làm tóc và quản lý nhân công cho hai salon ở Houston. Để có tiền về Việt Nam làm từ thiện, cô chỉ nghỉ làm hai ngày mỗi tháng.
"Tôi may mắn có cơ hội đi làm, chứ những người nghèo, người bệnh ở Việt Nam đến cơ hội để kiếm tiền cũng không có. Cứ nghĩ vậy là tôi lại có động lực cố gắng", người phụ nữ gốc Việt nói.
Nhiều năm nay chị trích hai ngày lương mỗi tháng vào một tài khoản tiết kiệm dành cho các chuyến đi về Việt Nam. Chị cũng dùng chính suy nghĩ đó để đi kêu gọi bạn bè, khách hàng của mình ủng hộ.
Chuẩn bị kinh phí cho các chuyến đi cũng không dễ. Như chuyến năm nay, anh Andy vừa mất việc, công việc của Vance Lee lại bị ảnh hưởng do Covid-19. Nếu gia đình đi du lịch ở Mỹ, họ chỉ cần khoảng 7.000 USD, nhưng về Việt Nam cả nhà sẽ mất tới 35.000 USD đi lại, ăn uống.
Khi người vợ bày tỏ sự lo lắng này với chồng, anh đã tiếp thêm cho cô sức mạnh. Andy chia sẻ biết ơn có người vợ thông cảm, chưa bao giờ phàn nàn phải gánh vác gia đình thay chồng. "Anh ủng hộ em 100%. Ước mơ của em cũng là của anh và các con", anh nói.
Họ quyết tâm lên đường ngay trong lúc bản thân còn khó khăn, bởi nghĩ đợi khi có tiền, có thời gian, sự ích kỷ vẫn còn đó và sẽ lại cân nhắc thiệt hơn. Đối với cặp vợ chồng, giúp người không phải chờ đến lúc mình dư dả mới cho, mà là có bao nhiêu giúp bấy nhiêu trong khả năng.
"Năm năm tới nhất định tôi sẽ quay lại xây một ngôi trường mang tương lai tươi sáng đến những đứa trẻ", cô nói.