"Thực sự là những câu chuyện tồi nhất tôi từng thấy. Vấn đề không chỉ nằm ở chất lượng, mà cả số lượng. Các bộ công cụ AI giống như cái gai trong mắt chúng tôi nhiều tháng qua. Chúng tăng gấp đôi gánh nặng công việc của nhóm biên tập, không thể quản lý nổi", Clarke nói.
Kể từ khi ChatGPT được tung ra cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia công nghệ ca ngợi AI có tiềm năng tăng hiệu quả và sản lượng, tạo ra nhiều nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế không giống nhau giữa các lĩnh vực.
Các công ty Big Tech đang đầu tư mạnh vào AI với cam kết đơn giản hóa công việc, giúp người dùng nhanh chóng soạn thảo email, tổng hợp lượng lớn dữ liệu, tạo báo cáo, sáng tác truyện, viết báo.
"Công nghệ này có những ứng dụng quan trọng với người làm văn phòng, nhưng còn quá sớm để kết luận là tốt hay xấu, cũng như liệu sẽ thay đổi xã hội thế nào", Shakked Noy, nghiên cứu sinh tại khoa Kinh tế của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết.
Mathias Cormann, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói các tổ chức liên chính phủ đánh giá AI có thể cải thiện một số mặt trong chất lượng công việc, nhưng cũng có những cái giá phải đánh đổi.
"Nhiều người lao động nói cường độ làm việc của họ tăng lên sau khi AI được ứng dụng. Nói cách khác, lượng công việc tăng lên nhưng mức lương họ nhận được vẫn giữ nguyên", Cormann nói.
Cảm thấy như "chuột bạch"
Ivana Saula, Giám đốc nghiên cứu thuộc Tổ chức Quốc tế của Thợ cơ khí và Công nhân Hàng không, cho biết nhiều người lao động cảm thấy họ giống như "chuột bạch" khi các công ty vội vã triển khai công cụ AI tại nơi làm việc.
Quá trình này cũng không diễn ra suôn sẻ. "Việc ứng dụng công cụ mới thường làm phát sinh những việc dư thừa đòi hỏi con người can thiệp. Trong số này có hoạt động hậu cần mà máy móc không thể thực hiện, làm tăng áp lực và tiêu tốn thời gian so với mạch làm việc thông thường", bà nói.
"Nhiều nhân lực nói gánh nặng công việc của họ tăng lên, cường độ cũng lớn hơn vì nó được quyết định bởi máy móc. Quan trọng là quá trình ứng dụng AI cần có ý kiến của những người làm việc trực tiếp với chúng, thay vì chỉ có giới lãnh đạo", Saula nêu quan điểm.
Một trong những lĩnh vực chứng kiến rõ ràng ưu và nhược điểm của AI là ngành truyền thông. Công cụ trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ tăng tốc quá trình soạn thảo và xuất bản, quảng cáo và biên tập, nhưng hàng loạt sự việc cho thấy điều này khó diễn ra trong tương lai gần.
Trang tin CNet từng phải đăng nhiều bài đính chính đầu năm nay sau khi thử nghiệm dùng AI để viết báo. Một bài đơn giản về phim Star Wars được AI viết và đăng trên Gizmodo đầu tháng 7 sau đó cũng phải đính chính, thậm chí dẫn tới sự phản ứng dữ dội của nhân viên.
Những người như Clarke đang đối phó với AI bằng cách sử dụng AI. Ông và nhóm biên tập tìm đến phần mềm AI chuyên phát hiện tác phẩm do AI tạo ra, nhưng rồi nhận ra chúng cũng không có tác dụng vì thường xuyên đưa ra kết luận sai lệch, đặc biệt là với những tác giả sử dụng tiếng Anh như ngoại ngữ.
"Các chuyên gia sẽ luôn nói về những thứ tuyệt vời mà AI có thể đóng góp cho hàng loạt lĩnh vực khác nhau. Nhưng họ đâu có làm trong lĩnh vực đó", Clarke nói.
(theo CNN)